Dân Việt

Có hay không chuyện trọng tài Hà Anh Chiến bị trợ lý... chơi khăm?

Tùy Phong 10/05/2016 10:00 GMT+7
Phút 87 trận derby Thanh – Nghệ thuộc vòng 9 Toyota V.League 2016, trọng tài Hà Anh Chiến đã đưa ra một quyết định sai lầm nghiêm trọng: Cho FLC Thanh Hoá được hưởng quả penalty, dù tình huống phạm lỗi của Đình Hoàng với tiền đạo Pape Omar diễn ra bên ngoài khu vực 16m50. Nhưng mọi chuyện có thể đã khác nếu trợ lý Cao Thanh Tú lên tiếng.

Ngay sau trận đấu, trọng tài Hà Anh Chiến đã thừa nhận, mình không có được góc quan sát thuận lợi. Và sự thật là ông Chiến ở khá xa điểm nóng. Nhưng, quyết định cắt còi và chỉ tay vào chấm phạt đền đã lại được đưa ra rất nhanh. Và đó là lý do người ta phải đặt vấn đề tư tưởng, thậm chí là tiêu cực, với trọng tài này.

Góc quan sát không thuận lợi ở đây không chỉ là khoảng cách khá xa giữa trọng tài Hà Anh Chiến và điểm nóng diễn ra tình huống va chạm, mà ngoài ra, ông Chiến còn chạy phía sau lưng Pape, khó có thể thấy pha cài người tiểu xảo, cản hướng di chuyển của Đình Hoàng với tiền đạo Pape Omar bên phía chủ nhà.

img

Trọng tài Hà Anh Chiến đã có một quyết định gây tranh cãi trong trận đấu giữa Thanh Hóa và SLNA.

Ở khía cạnh chuyên môn thuần tuý, vậy tại sao và như thế nào, trọng tài Chiến lại có thể đưa ra quyết định đầy hà khắc như thế với SLNA: Kéo điểm phạm lỗi vào trong khu vực cấm địa, đồng nghĩa với một quả phạt đền cho đội chủ nhà, mà không cần thông qua bất cứ sự tham chiếu hay tham khảo nào từ trợ lý 1 Cao Thanh Tú?

Trong những trường hợp tương tự, ở góc quan sát không thuận lợi, trọng tài chính hoàn toàn có quyền cắt còi, nhưng quyết định thổi phạt đền hay không, còn tuỳ thuộc vào những tham khảo với trợ lý. Ở tình huống đó, trợ lý Cao Thanh Tú là người có góc quan sát thuận lợi nhất, so với các đồng nghiệp còn lại trên sân.

Nhưng, cũng rất thường xuyên, các trợ lý thường không dám dựng cờ, trước khi nghe tiếng còi phát lên từ trọng tài chính. Trên sân Thanh Hoá, trợ lý trọng tài Cao Thanh Tú là một trường hợp như thế, dù có thể ông đã thấy điểm phạm lỗi ở khá xa vạch 16m50. Và ông Tú đã đợi, để rồi đồng thuận với quyết định của đồng nghiệp.

Tình huống khác, nếu trợ lý trọng tài Cao Thanh Tú dựng cờ, trọng tài chính Hà Anh Chiến sẽ có ít nhất 2 lựa chọn: Đè cờ hoặc tham khảo ý kiến trợ lý, trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, như đã nhắc ở trên, thường trong những tình huống nhạy cảm, trợ lý trọng tài vẫn hay nhắm mắt làm ngơ, để “trăm dâu đổ đầu tằm”.

Tương tự như trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Đồng Tháp ở vòng đấu thứ 8 trước đó. Trên sân Cẩm Phả, không dưới 2 lần trợ lý trọng tài 1 là cựu Cờ vàng Phạm Mạnh Long đã không căng cờ, để tiền đạo Đồng Tháp thoát xuống và ra chân trong tư thế việt vị, và ở một trong những lần như thế, Marko Simic thiếu chút nữa đã lập siêu phẩm.

Tổ trọng tài điều khiển trận đấu ở Cẩm Phả hôm ấy được xem là số má bậc nhất, với ngoài trọng tài chính Phùng Đình Dũng, còn có Phạm Mạnh Long (trợ lý 1), Trần Duy Khánh (trợ lý 1), trọng tài thứ 4 Nguyễn Trung Kiên… Bản thân trọng tài Phùng Đình Dũng cũng bị xem là khá vô cảm trong một tình huống cầu thủ chủ nhà nằm sân tương đối lâu sau khi va chạm.

Trên hàng ghế VIP, các ông Nguyễn Nam Tiến và Bùi Như Đức là những giám sát và ngoài ra, còn có cả sự dự khán của PCT VFF Trần Quốc Tuấn, Trưởng BTC giải đấu Nguyễn Minh Ngọc… Một bộ sậu hùng hậu như thế đến để dự khán một trận đấu khá bình thường, kể cũng lạ, ấy vậy mà các trọng tài còn mắc sai sót.

Trọng tài Hà Anh Chiến có thể phải tự chịu trách nhiệm về sai lầm của mình, nhưng nếu kỷ luật mỗi ông Chiến là không công bằng. Phải có sự liên quan nhất định đến các trợ lý, cụ thể ở đây là trợ lý 1 Cao Thanh Tú, thậm chí không thể không liên quan đến tổ giám sát, những người vẫn được cho là ngồi mát ăn bát vàng.

Có quá nhiều biến cố liên quan đến bộ phận cầm cân nảy mực ở những lượt trận gần đây, bắt đầu từ số lượng thẻ phạt tăng vọt và những sai số kỹ thuật. Trên sân Hàng Đẫy trọng tài Nguyễn Hiền Triết đã tước của chủ nhà Hà Nội T&T một bàn thắng hợp lệ ở trận đấu với Hải Phòng…

Trọng tài được xem là bộ phận huyền bí bậc nhất, khó kiểm soát bậc nhất, tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, mà ngay cả những người tham gia cuộc chơi cũng không thể động đến được. Người ta luôn sẵn những 'tấm khiên', thậm chí cả bộ 'áo giáp' để bảo vệ đội ngũ vua áo đen, ở chiều ngược lại, họ làm gì thì chỉ trời biết, đất biết…