Lão nông tri điền
Vai diễn của Hoài Linh trong bộ phim dài 30 tập “Chuyện tình làng hoa” của đạo diễn Vĩnh Khương là Sáu Kiểng - một lão nông dân cần cù của làng hoa Gò Vấp nổi tiếng Sài Thành. Ông sống có tình nghĩa với bạn bè, gia đình và luôn tỉnh táo trước mọi trào lưu thời thượng. Trong khi các gia đình khác đua nhau bán đất lấy tiền ăn tiêu thì ông Sáu quyết tâm bám đất và chuyên tâm với nghề trồng cây kiểng.
Danh hài Hoài Linh và ca sĩ Phi Nhung trên trường quay phim “Chuyện tình làng hoa”. |
Ông hiểu rất rõ một điều, nông dân mà không có miếng đất trong tay thì cũng giống như người “xảy nhà ra thất nghiệp”. Bởi thế “lão nông dân thế kỷ 21” Sáu Kiểng không chịu thua kém lớp trẻ, ông cũng đăng ký vào trường học ngoại ngữ, cổ vũ những người chân lấm tay bùn như mình tiếp cận các kiến thức hiện đại để giữ lại lửa nghề cho làng hoa.
Danh hài Hoài Linh cho biết: “Nhận lời đóng vai Sáu Kiểng, tôi rất vui vì còn được đóng chung với nữ ca sĩ Phi Nhung trong vai vợ chồng. Ở hải ngoại, anh em tui đã diễn hài cùng nhau tung hứng rất ăn ý, khán giả khoái lắm. Phi Nhung đóng vai bà Ba Huệ- vợ Sáu Kiểng trong phim. Tui khoái nhân vật Sáu Kiểng này vì tính tình ổng rất ngộ, thích nhõng nhẽo vợ và muốn được vợ chăm như... mẹ chăm con. Trên đồng đất, Sáu Kiểng là một lão nông tri điền, chỉ cần ngửi hơi là biết đất tốt hay chưa, nhưng ở nhà, ổng lóng ngóng vụng về “số dzách”, đụng đâu là hư bột hư đường ở đó”.
“Chuyện tình làng hoa” lấy bối cảnh là làng hoa Gò Vấp TP.HCM. Làng quê đang yên bình, vui vẻ trở nên xôn xao, nhiều người làm nông chân chất bỗng trở thành các cò mồi tích cực để buôn bán đất đai.
Náo động trường quay
Vất vả lớn nhất của các đoàn phim có danh hài Hoài Linh tham gia chính là lượng người hâm mộ của anh quá lớn. Những cảnh quay lão nông Sáu Kiểng đi học Anh văn được thực hiện ở Trường Ngoại ngữ Dương Minh (TP.HCM), vừa nhìn thấy anh xuất hiện, các thầy cô và học sinh của trường đều quyết định…dừng học tạm thời để xem Hoài Linh đóng phim.
Cả thầy và trò đều thích đợi đến lúc Hoài Linh nghỉ quay là xúm vào xin chụp ảnh chung, xin chữ ký. Nhưng kỷ niệm khiến nghệ sĩ hài này nhớ nhất là được một khán giả nhỏ tuổi là học viên của Trường Ngoại ngữ Dương Minh đem tới tặng anh một miếng cốm nổ và nói: “Em biết anh rất thích cốm nổ miền Trung, tặng anh ăn cho đỡ đói để quay tiếp”.
Hoài Linh kể lại: “Lúc đó tui đang cười nói mà bỗng nhiên xúc động đến chảy nước mắt vì tình cảm chân chất của em nhỏ”.
Một kỷ niệm anh cũng không thể quên trong quá trình làm phim là lần vào một quán mì Quảng tại Gò Vấp, cô chủ quán nhận ra anh đã hỏi ngay: “Lình Hoai mà cũng ang mì hả?” làm Hoài Linh ngẩn người ra. Khi nhớ ra người Quảng rất thích nói lái và cô chủ quán đã gọi anh là “Lình Hoai” chứ không phải là “Hoài Linh”, anh phá lên cười và gọi ngay một suất “tịt thôm, sông ráu, bán tránh” (thịt tôm, rau sống, bánh tráng). Cả chủ và khách ăn đều vui như Tết...
Đang phát sóng trên HTV7, “Chuyện tình làng hoa” ghi dấu ấn bởi mặc dù là một bộ phim có tính hài nhưng đặt ra một vấn đề rất nghiêm túc về những “sự lựa chọn sinh tử” của người nông dân trước cơn lốc đô thị hóa. Có tiền bán đất trong tay, đại bộ phận gia đình nông dân tập tành theo cách làm ăn của người đô thị và rơi vào cạm bẫy của lối sống vật chất lười lao động. Tuy vậy, trong lòng cuộc sống đang bị đô thị hóa đó, vẫn tồn tại tình làng nghĩa xóm và làm người ta dần hồi tâm chuyển ý, quay về với nghề truyền thống.
Mỹ Dung