Dân Việt

Quặn lòng đám tang ba lần chạy lũ

18/11/2010 12:05 GMT+7
(Dân Việt) - Trong ba ngày (14 đến 16-11), liên tiếp ba cơn lũ đã tràn qua các xã của huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi làm tan hoang, nhà cửa và rệu rã sức chịu đựng của người dân vùng này.

Gửi tạm thi hài ở ủy ban xã

Sáng 17-11, thi thể ông Dương Điệt (63 tuổi, ở xã Bình Thới) mới được đưa đi an táng. "Xe tang" là một chiếc ghe. Người nhà bơi đi lòng vòng, nghĩa trang nào cũng ngập nước.

Trước đó, trưa ngày 14-11, khi leo lên nóc nhà để sửa lại mái bị gió làm hỏng, chẳng may ông Điệt trượt chân ngã xuống sau đó tử vong. Lụt ngập tất cả, không có chỗ quàn thi hài ông.

img
Làng Sơn Trà tan hoang sau trận lũ quét kinh hoàng trưa ngày 14-11.

Người nhà phải đưa ông lên trụ sở UBND xã Bình Thới. Đến ngày 15, thấy mưa tạnh và nước đang rút, người thân đưa nạn nhân về để chuẩn bị an táng, thì mưa lớn lại đổ xuống, nước dâng lên lại. Gia đình gạt nước mắt đưa ông lên lại UBND xã.

Đến ngày 16, nước lại rút, ông lại được đưa về nhà. Thế nhưng đùng một cái lũ lại lên, và ông cũng phải "sơ tán" lên UBND xã lần thứ 3.

Không chỉ ở xã Bình Thới, nhiều xã khác cũng chung cảnh cơ hàn vì nước lũ.

Cụ bà Phạm Thị Phao (74 tuổi, xóm 3, thôn Nam Thuận, xã Bình Chương) bần thần kể lại: Tưởng lũ đã rút, nhưng vào chạng vạng tối 16-11, lũ lên lại. Cha mẹ của mấy đứa nhỏ đi làm ăn xa, trong nhà chỉ còn 3 bà cháu.

Khi đang loay hoay chuyển đồ đạc lên cao thì nước đã đến ngang người, rồi ngập lên đến gần 2/3 ngôi nhà. 3 bà cháu phải trèo lên gần nóc ngồi. Cũng may là bộ đội đến kịp... Một trường hợp may mắn khác được bộ đội cứu là gia đình anh Huỳnh Văn Tân.

Khi thấy nước ngập hơn nửa nhà, anh Tân liền leo lên nóc nhà, dỡ ngói, lia ánh đèn pin cầu cứu. Hai chiến sĩ trên thuyền cứu hộ liền lao xuống nước và chui qua khe cửa đã ngập gần hết để đưa cả gia đình ra.

Thêm một làng chài bị lũ quét tàn phá

img Trước mắt, UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho mỗi hộ có nhà bị sập 1 triệu đồng, 1 tấm bạt che mưa và 15kg gạo/khẩu. Ngay trong buổi chiều 17-11, huyện sẽ điều lực lượng quân sự huyện, dân quân tự vệ của xã Bình Đông xuống phối hợp giúp dân sớm khắc phục hậu quả lũ quét. img

Không chỉ làng chài Phước Thiện ở xã Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi bị lũ quét tàn phá (NTNN đã phản ánh trên số báo ra ngày 16-11), những ngày qua, tại làng chài Sơn Trà, xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) cũng phải hứng chịu trận lũ quét kinh hoàng.

Trận lũ xảy ra vào khoảng 10 giờ ngày 14-10 và kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, làm 7 ngôi nhà bị sập, trong đó có 5 nhà sập hoàn toàn. Chùa Nghĩa Tự có từ lâu đời của làng chài cũng sập nát, trường tiểu học cụm Sơn Trà (xã Bình Đông) bị cuốn trôi toàn bộ sân, khoét sâu vào nền móng...

Hàng trăm người dân ở làng chài Sơn Trà phải bỏ dở bữa trưa, hoảng loạn ôm con cái, vật dụng quan trọng trong nhà chạy thoát thân.

Ông Phạm Được (60 tuổi) ở thôn Sơn Trà vẫn chưa hết bàng hoàng: “Từ nhỏ đến nay ở cái làng chài này chưa bao giờ tôi thấy lũ quét kinh hoàng như thế này. Có lẽ do các công trình, nhà máy của Khu kinh tế Dung Quất xây dựng xung quanh làm cản trở lối thoát nước. Khi mưa lớn quá, nước dồn ứ, thoát không kịp, tràn mạnh vào làm xói lở cái làng này (?)”.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Bình Sơn, đến 17 giờ ngày 17-11, toàn huyện có 2 người chết, 16 người bị thương, 25 nhà bị sập hoàn toàn, 14 nhà bị hư hỏng nặng. Trên địa bàn huyện có trên 5.089 nhà bị ngập sâu từ 1 - 1,5m, nhiều trường học bị hư hỏng nặng... Thiệt hại ước tính trên 100 tỷ đồng.

Huy động các lực lượng giúp dân ổn định đời sống

Tại cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư ngày 17- 11 về tình hình mưa lũ tại Nam Trung bộ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà bị sập, hư hỏng, huy động các lực lượng giúp dân ổn định đời sống, sản xuất tại khu vực lũ đã rút.

Phó Thủ tướng lưu ý các hồ thủy điện, thủy lợi ngoài việc xả lũ đúng quy trình, không xả lũ quá mức nước về, không gây lũ nhân tạo... thì phải phối hợp chặt chẽ với địa phương tính thời điểm xả khoa học, tránh tình trạng xả lớn khi nước cường ở hạ du.