Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) vừa có văn bản gửi Bộ Tài Chính đề xuất được tự tính giá bán xăng dầu.
Lý do nhà máy lọc dầu Dung Quất nêu ra là vẫn đang gặp khó về tiêu thụ trước việc các mức thuế giảm mạnh do Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (ảnh minh họa)
Mặc dù đang được Nhà nước hỗ trợ, cho phép cộng vào giá bán xăng dầu 3-7% thuế nhập khẩu (tùy sản phẩm), song BSR cho biết, sau hỗ trợ công ty này vẫn phải chịu mức thu điều tiết với xăng là 13%, dầu là 7%.
Trong khi đó, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc, do Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do, lại chỉ phải nộp 10%, dầu nhập từ ASEAN đã được hưởng thuế 0%.
Chưa kể, việc áp thuế nhập khẩu tính giá bán lẻ theo hướng bình quân gia quyền mới đây cũng tạo ra chênh lệch lớn giữa xăng dầu Dung Quất với xăng dầu nhập khẩu có chứng nhận xuất xứ từ ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - cho biết, với mức thuế tính giá cơ sở hiện nay, khi mua hàng của Lọc dầu Dung Quất, các khách hàng như Petrolimex, Pvoil, Saigon Petro,... đang bị áp mức thuế nhập khẩu đầu vào cao hơn, với mức thuế được tính bình quân gia quyền trong giá cơ sở, cụ thể là cao hơn 1,92% đối với xăng và 6,4% đối với dầu (thuế nhập khẩu áp dụng cho xăng của Dung Quất là 20%, dầu là 7%)
Do đó, "việc mua hàng của lọc dầu Dung Quất sẽ không còn hiệu quả và cạnh tranh đối với khách hàng”, lãnh đạo BSR khẳng định.
Chính sách thuế để tính giá cơ sở mới này theo BSR, tăng áp lực đối với các đầu mối theo hướng không hỗ trợ sản xuất trong nước, hay nói cách khác là ưu tiên nhập khẩu hàng theo các hiệp định thương mại tự do.
Vì vậy, BSR khẳng định họ vẫn lâm vào khó khăn do vừa chịu chênh lệch thuế đối với hàng nhập khẩu được ưu đãi đặc biệt trong các FTA, vừa bị áp mức thuế cao hơn so với thuế bình quân để tính giá cơ sở.
BSR dẫn thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã giảm tiêu thụ xăng dầu của Dung Quất. Cụ thể, Petrolimex năm 2015 nhập khẩu tới 90% dầu từ ASEAN, riêng tháng 12/2015 nhập hoàn toàn từ ASEAN. Saigon Petro nhập khoảng 62%; PVOil nhập 70-80%; Mipeco nhập 83% từ ASEAN… Và cũng từ thực tế này nên BSR đang xây dựng một cơ chế tài chính mới gửi các cấp.
Trong thời gian đợi phê duyệt, BSR đề nghị Bộ Tài chính cho Dung Quất được quyền tính toán và quyết định giá bán, trong đó có tự tính thuế nhập khẩu ở mức hợp lý, không cần Nhà nước hỗ trợ thuế 3-7%, bù lại Nhà nước cũng không được thu tiền điều tiết với xăng dầu Dung Quất.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Đức Độ-Phó viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện tài chính-Bộ Tài chính) cho biết, việc Dung Quất kiến nghị tự tính giá bán xăng dầu, chắc chắn họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm về kinh doanh của mình. Tuy nhiên, rất khó để nói ủng hộ hay không ủng hộ. Bởi, Dung Quất đang kinh doanh dựa vào vốn Nhà nước. Họ thiệt gì, được ưu đãi gì chắc chắn sẽ phải được cân bằng, không thể cứ kêu thiệt là hoàn toàn bị thiệt.
Về lâu dài, ông Độ cho rằng, Nhà nước nên sớm tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu. Nếu thị trường xăng dầu cạnh tranh Nhà nước sẽ càng đỡ phải can thiệp vào thị trường và vào hoạt động của DN. "Chừng nào Nhà nước còn nắm giữ, ưu đãi lĩnh vực xăng dầu thì các vấn đề như của Dung Quất vẫn còn bùng nhùng với những kiến nghị không dễ giải quyết"-ông Độ nói.