Cụ thể, dự báo trên sông Vàm Cỏ Đông tại huyện Bến Lức (Long An) sẽ khó có nước ngọt cho đến hết tháng 5, trong khi đó, độ mặn lớn nhất trong mùa khô của vùng Biển Tây trên sông Cái Lớn, Cái Bé và ven biển có khả năng xuất hiện vào đầu tháng 5.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khảo sát tình hình hạn mặn hại lúa tại ĐBSCL.
Còn trên sông Vàm Cỏ Tây, đến ngày 12.5, mặn có thể tăng dần trở lại và có khả năng kéo dài đến đến cuối tháng 5. Sau đó, nước ngọt có khả năng sẽ xuất hiện trở lại tại các vùng cửa sông Cửu Long, phạm vi cách biển từ 25 – 40km, tuy nhiên với lượng ít hơn so với tháng 4.
Hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn tăng cao khiến việc xuống giống vụ hè thu của bà con nông dân vùng ĐBSCL đang bị đe dọa. Cục Trồng trọt đã đề ra hai phương án xuống giống: tập trung xuống giống khoảng 1 triệu ha tập trung vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu trước 15.5, sau đó theo dõi diễn biến của mùa mưa để tiếp tục phân bổ việc xuống giống các vùng còn lại.
Tuy nhiên, theo phân tích của Cục Trồng trọt, nếu mùa mưa không đến trong tháng 5, vụ lúa thu đông trong cơ cấu 3 vụ lúa và các vụ lúa tiếp theo tại vùng ven biển sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Điều đáng mừng là trong vụ đông xuân và hè thu năm nay, tỉ lệ sử dụng nhóm giống lúa chống chịu mặn khá cao. Trong vụ hè thu, các tỉnh ven biển có tỉ lệ sử dụng các giống lúa chống chịu mặn nồng độ 3-4‰ chiếm khoảng 60-70% diện tích đã xuống giống. Tại Trà Vinh, có đến 90% diện tích đã xuống giống sử dụng các giống lúa chịu mặn cao.
Ngoài ra, trong vụ đông xuân 2016, tỉ lệ nhóm lúa thơm (Jasmine 85, RVT, Nàng Hoa 9, VD 20, ST...) cũng đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 30% tổng diện tích xuống giống. Tỉ lệ diện tích giống nếp được sử dụng cũng tăng do nhu cầu của thị trường xuất khẩu tăng mạnh.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, trong vụ đông xuân 2015 – 2016, sản lượng lúa sụt giảm khoảng 713.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do hạn và xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng gần 94.000ha lúa đông xuân 2015-2016, trong đó có 85.000ha bị thiệt hại.