Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP.HCM - khẳng định, Công an TP đồng thuận chủ trương của Bí thư Đinh La Thăng về việc thành lập đội SBC. Hiện Công an TP xin ý kiến của Bộ Công an về việc thành lập lực lượng này.
Theo trung tướng Phong, về tái lập lực lượng SBC để trấn áp mạnh tội phạm, Công an TP.HCM đã nghiên cứu và đề ra nhiều biện pháp. Trong đó, sẽ tăng gấp đôi quân số cho lực lượng hình sự đặc nhiệm; tăng cường phương tiện, trang bị như xe, bộ đàm, súng, áo giáp chống đạn... Đồng thời, phối hợp hình sự đặc nhiệm với CSCĐ, CS113, CSGT... tuần tra liên tục khép kín địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Bạn (68 tuổi, cán bộ Công an TP.HCM đã nghỉ hưu) kể trong giai đoạn thành lập đội SBC trước đây, lực lượng quân đội chuyển sang ngành công an rất nhiều. Những người lính từng chiến đấu trên chiến trường nên có nền tảng chính trị vững vàng và tư tưởng trấn áp tội phạm rất triệt để. SBC lúc bấy giờ có những xạ thủ như Lý Đại Bàng, “đại úy” Hai Thành… nên tội phạm chỉ nghe tên là đã khiếp sợ.
Theo ông Bạn, hiện nay cảnh sát hình sự đặc nhiệm Công an TP HCM cũng có nhiệm vụ giống như SBC trên đường phố, nhưng quyền hạn chức năng khác hơn do hệ thống pháp luật thay đổi. Trước đây, khi đối tượng chống cự, SBC được quyền nổ súng quân dụng. Còn đặc nhiệm hình sự hiện nay chủ yếu sử dụng công cụ hỗ trợ. “Vì vậy, để trấn áp tội phạm triệt để, tái lập được SBC với nhiều chức năng, quyền hạn đặc biệt thì quá tốt!”, ông Bạn nói.
Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Công an quận 1 nổ súng bắt giữ 2 tên cướp giật tài sản của người nước ngoài. Ảnh: Công an cung cấp.
Theo ông Trần Văn Năm (từng công tác trong đội SBC, được đồng đội mệnh danh là Năm Lửa), việc tái lập đội SBC là một chỉ đạo hợp lý. Theo ông, lực lượng săn bắt cướp hiện nay đổi tên là đặc nhiệm hình sự cho nhân văn hơn, nhưng SBC đã nổi tiếng cả nước, sử dụng lại thương hiệu này sẽ có uy thế trấn áp tội phạm.
“Hiện nay kinh tế phát triển, người dân đi ra đường mang theo tiền bạc, tư trang nhiều, nhưng lực lượng cảnh sát không đủ mạnh nên tội phạm lộng hành. Theo tôi, nếu tái lập SBC phải tuyển chọn người nhiệt huyết, có sức khỏe, điều khiển xe thuần thục trên đường phố, giỏi võ. Và cần có những trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại để xử lý nhanh các tình huống. Ngoài Công an TP, lực lượng công an quận, huyện cũng cần phải phát triển”, ông Năm Lửa nói.
Theo ông Năm Lửa, khi còn là lính SBC ông và đồng đội luôn có tính chuyên nghiệp, ý thức trách nhiệm, tự giác rất cao. Trước đây, chỉ cần sử dụng thẻ SBC là có thể liên lạc công việc ở bất cứ nơi đâu. Hiện nay, nếu cứ theo đúng rập khuôn bài bản quy trình, sẽ làm chậm mất thời gian và thời cơ bắt tội phạm. Do đó, nên mạnh dạn triển khai lại mô hình SBC nếu có bất hợp lý ở đâu thì sửa đến đó chứ còn cứ sợ sai phạm mà không làm sẽ không hiệu quả.
Những năm sau giải phóng, tình hình an ninh trật tự tại TP.HCM cực kỳ phức tạp. Hàng chục nghìn tên, băng nhóm tội phạm cướp của, giết người khét tiếng luôn thủ súng, lựu đạn trong người và sẵn sàng thủ tiêu nạn nhân, bắn trả cảnh sát...
Trước tình hình nguy cấp, tháng 3.1978, lãnh đạo Công an TP.HCM thành lập Đội SBC thuộc Phòng Cảnh sát hình sự. Những người được tuyển chọn trở thành chiến sĩ SBC là những cảnh sát trẻ, gan dạ, sức khỏe tốt...
Lực lượng SBC được sử dụng súng quân dụng, nếu đã bắn cảnh cáo mà đối tượng chống trả thì có quyền bắn hạ. Trinh sát SBC còn được trao nhiều đặc quyền như chạy quá tốc độ, chạy vào đường ngược chiều, đường cấm, được xuất trình thẻ SBC để xác minh tội phạm, liên hệ công việc ở bất kỳ nơi đâu…
Nhiều tên tuổi SBC đã trở thành “huyền thoại” như Ba Tung, Lý Đại Bàng, Dương Minh Ngọc, Hai Lửa (Lê Thanh Liêm), Hai Thành, Mai Văn Tấn…