Dồn dập chống đỡ thiên tai
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu năm, rét đậm rét hại đã xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh Bắc bộ đến Nghệ An, nhiều nơi đã xuất hiện băng giá mưa tuyết, nhiệt độ giảm xuống dưới 0 độ C, đạt mức thấp nhất trong lịch sử. Ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra hạn hán nghiêm trọng trên diện rộng, hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum…
Thiên tai trong các tháng đầu năm khiến cho sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Đình Thắng
Ở ĐBSCL xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn 2 tháng, phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền đến hơn 90km. Đã có 10/13 tỉnh thành phố khu vực này bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Từ đầu năm đến nay thiên tai đã làm 11 người chết, 41 người bị thương, 475.580 hộ dân bị thiếu nước, 290.368ha lúa, hoa màu và 161.365 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại; 19.804 con gia súc và 44.272 gia cầm bị chết; 7.145ha thủy sản bị thiệt hại, tổng thiệt hại khoảng 9.735 tỷ đồng”.
Sẽ có 4-5 cơn bão cường độ mạnh |
Là một trong những tỉnh có lượng mưa thấp nhất cả nước, tỉnh Ninh Thuận đang trải qua đợt hạn hán khốc liệt nhất trong 11 năm qua. Ông Trần Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Tỉnh xác định mục tiêu không để hộ dân nào thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt và không để gia súc chết vì hạn hán. Ninh Thuận đang tập trung chuyển đổi cây trồng theo hướng tiết kiệm nước. Hiện nay một số cây trồng chuyển đổi cho thu nhập gấp 2 lần trồng lúa, bà con rất vui mừng”.
Đối với tỉnh Cà Mau, hạn đến sớm từ đầu năm 2016 khiến cho toàn tỉnh thiệt hại trên 50.000ha lúa, hơn 15.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, hơn 43.000ha rừng trong tình trạng chờ chực cháy, xâm nhập mặn tiến sâu. Ông Lê Văn Sử - Giám đốc Sở NNPTNT tcho biết: “Từ nay đến cuối tháng 6 hạn hán vẫn gay gắt nên tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ bà con cải tạo đồng ruộng sản xuất tốt vụ hè thu”.
Đói vốn khắc phục thiên tai
Hầu hết các địa phương đều phán ảnh khó khăn về vốn để khắc phục thiên tai, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay tỉnh đã thiệt hại 475 tỷ đồng do rét đậm rét hại, dông, lốc, mưa đá. Đề nghị trung ương tăng cường vốn cho các vùng dân cư bị thiên tai, chúng tôi cần vốn lớn để sắp xếp ổn định đời sống cho dân cư ở những vùng này”.
Cũng về vấn đề vốn, tỉnh Cà Mau kiến nghị trung ương xem xét kiến nghị đầu tư khẩn cấp 315 tỷ đồng để tỉnh hỗ trợ nước sạch, khắc phục 22km giao thông nông thôn đã bị sụt lún, đầu tư nâng cấp đê vùng U Minh hạ. Xem xét hỗ trợ đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt đầu tư cho đê biển, hệ thống thủy lợi, ưu tiên đầu tư cho các dự án tái định cư ven biển.
Bên cạnh vấn đề hỗ trợ vốn, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Chính phủ hỗ trợ hỗ trợ 4.000 tấn gạo cứu đói, hỗ trợ 15kg gạo cho mỗi nhân khẩu. Về lâu dài tỉnh Ninh Thuận đề nghị trung ương hỗ trợ xây dựng các hồ đập, xây dựng đê kè, tham gia các dự án nông nghiệp tích nghi với biến đổi khí hậu, các chương trình về giống chịu hạn, áp dụng tưới tiết kiệm nước...
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Theo dự báo tình hình thời tiết thiên tai vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm, hiện tượng La Nina có thể sẽ xuất hiện cuối năm, các địa phương cần hết sức quan tâm và chủ động đưa ra phương án đối phó có hiệu quả nhằm bảo vệ tính mạng tài sản của người dân. Tôi đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ thị của Chính phủ về ứng phó với thiên tai. Khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương. Chủ động di dời các hộ dân ra khỏi khu vực dễ xảy ra thiên tai bất thường. Bộ TNMT thông tin kịp thời dự báo thời tiết thiên tai để chủ động ứng phó”.