Dân Việt

Xây dựng nông thôn mới tại Bình Định: Áp đặt dân hiến đất?

Dũ Tuấn 13/05/2016 07:01 GMT+7
Tuyến đường Cơ Khí cũ - đường cụm công nghiệp Tam Quan (đi qua xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) là đường nông thôn mới (NTM) chỉ dài gần 1km, tuy nhiên 2 năm nay vẫn chưa thi công xong.

Người dân cho rằng, chính quyền xã Hoài Hảo đã áp đặt việc hiến đất và “mập mờ” khi bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng tuyến đường này.

Dưới 100m2, buộc phải hiến đất

Năm 2014, UBND huyện Hoài Nhơn đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do GPMB để xây dựng tuyến đường Cơ Khí cũ - đường cụm công nghiệp Tam Quan và giao cho UBND xã Hoài Hảo làm chủ đầu tư. Theo đó, có 64 hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích đất bị thu hồi 10.548,5m2, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng.

img

Ông Trần Thành (trú thôn Tấn Thạnh, xã Hoài Hảo) cho rằng, quy định hiến đất làm đường NTM của UBND xã Hoài Hảo là áp đặt. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo đơn thư phản ánh của ông Trần Thành (trú thôn Tấn Thạnh, xã Hoài Hảo), triển khai dự án này, nhà ông bị thu hồi trên 500m2, trong đó có đất ở, tài sản trên đất có 12 cây dừa, 1 nhà bếp, 1 phòng nhà giữa... Tuy nhiên, UBND xã Hoài Hảo không có quyết định thu hồi đất, không có phương án đền bù hỗ trợ tái định cư và không công khai việc bồi thường đối với gia đình ông.

Cụ thể, UBND xã quy định: Nếu dưới 100m2 đất trở xuống và dừa có 5 cây trở xuống, thì vận động người dân hỗ trợ đóng góp để xây dựng đường nông thôn. Nếu hộ nào diện tích đất bị thiệt hại trên 100m2, phần dư ra UBND xã sẽ bồi thường. “Họ ra quy định mang tính áp đặt, hồi đó tôi không thống nhất việc hiến đất, nhưng sau này bị áp đặt, buộc tôi phải đồng ý hiến 100m2 đất và tôi yêu cầu diện tích còn lại đền bù đúng và đủ. Tới giờ này gia đình tôi vẫn không có quyết định thu hồi đất, phương án đền bù. Tổng số tiền đền bù của gia đình tôi là 262 triệu đồng. Hiện tại, sau 2 lần chi trả tôi đã nhận 152 triệu đồng nhưng chỉ ký nhận mà không có biên lai thu chi” - ông Thành cho hay.

"Họ ra quy định mang tính áp đặt, hồi đó tôi không thống nhất việc hiến đất, nhưng sau này bị áp đặt, buộc tôi phải đồng ý hiến 100m2 đất và tôi yêu cầu diện tích còn lại đền bù đúng và đủ”.

Ông Trần Thành

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, trong 64 hộ bị ảnh hưởng có hộ ông Thái Văn Học bị thu hồi 491,4m2 đất nông nghiệp gắn liền đất ở, ông không thống nhất theo phương án vận động của UBND xã nên hội đồng bồi thường GPMB lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho ông Học có sự chênh lệch.

Lần 1 (năm 2014), kinh phí bồi thường cho ông Học theo phương án vận động là gần 19,7 triệu đồng. Lần 2 (năm 2016), kinh phí bồi thường, hỗ trợ không theo phương án vận động do Hội đồng bồi thường GPMB lập là 139,7 triệu đồng. Hiện  tuyến đường trên vẫn chưa hoàn thành do ông Học chưa nhất trí  phương án bồi thường nên không giao đất. Bà Nguyễn Thị Nào (xã Hoài Hảo) cho hay: “Chúng tôi cứ tưởng là con đường NTM nên đồng tình, nhưng NTM gì mà hiến đến 100m2 đất vườn. Gia đình tôi bị thu hồi 630,8m2 đất vườn, 16 cây dừa và chỉ được đền bù 25,8 triệu đồng, tôi mới nhận được 15 triệu đồng”.

Đã họp dân lấy ý kiến?

Theo báo cáo của UBND xã Hoài Hảo, địa phương này đã tiến hành họp lấy ý kiến và đã được nhân dân thống nhất tính kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho ông Thái Văn Học, tuy nhiên ông Học không theo phương án vận động của UBND xã.

Hiện đang có 5 hộ dân làm đơn yêu cầu giải quyết thắc mắc về việc giải tỏa đền bù tuyến đường Cơ Khí cũ - đường cụm công nghiệp Tam Quan (trong đó 3 hộ đã đồng ý và ký nhận tiền GPMB).

Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND xã Hoài Hảo khẳng định, tuyến đường Cơ Khí cũ- đường cụm công nghiệp Tam Quan dài 1km là đường NTM. “Theo phương án vận động người dân, quy định từ dưới 100m2 đất vườn, dưới 50m2 đất ở là hiến, còn trên mức đó thì đền bù theo quy định của nhà nước và các chế độ khác thì miễn. Về việc GPMB, mỗi hộ dân đều có phương án đầy đủ và biên bản kiểm kê để họ ký. Do ngân sách xã không đủ tiền nên chỉ ký ứng và sau này quyết toán đủ. Riêng hộ ông Thái Văn Học không có hộ khẩu ở đây nên không chịu nhận tiền và không thực hiện theo quy chế dân chủ nên mới phải làm phương án khác”- ông Út phân trần.

Ông Nguyễn Văn Đẹp - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết thêm: “Việc GPMB tuyến đường trên do xã chịu tránh nhiệm, xã vận động nhân dân hưởng ứng hiến đất, dừa… và đại đa số người dân đã đồng ý. Chỉ còn hộ ông Thái Văn Học không đồng ý nên khi nhà nước bồi thường cho ông Học, một số hộ thắc mắc tại sao ông Học được nhiều mà mình không có gì nên họ cho rằng tuyến đường này không phải đường NTM”.

“Tôi đã phân tích đây là con đường NTM, nếu người dân không đóng góp, không giải phóng mặt bằng được thì sẽ không có con đường này. Về phương án đền bù thì xã trình huyện phê duyệt, 1 công trình thì chỉ có 1 phương án và giá đất theo quy định của tỉnh”- ông Đẹp nói.