Dân Việt

Dạy nghề cho con em gia đình chính sách: Cần sự hỗ trợ dài hơi

28/07/2011 21:48 GMT+7
(Dân Việt) - Là con thương binh, liệt sĩ, bản thân các em cũng có bệnh tật, khuyết tật nên việc học nghề, tìm việc làm rất khó khăn. Vì thế, rất cần có những chính sách dài hơi giúp các em thực sự thành nghề, lập nghiệp.

Trung tâm Nhân đạo Linh Quang (Đống Đa, Hà Nội) là một trong những cơ sở tổ chức dạy nghề các em thuộc diện này. Học nghề với các em đã khó, lo chỗ ăn ở và tạo việc làm sau đào tạo lại càng khó hơn. Điều này cần sự nỗ lực của các em và trung tâm đã đành, còn cần cả sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội

img
Con em thương binh, liệt sĩ đang học nghề tại Trung tâm Nhân đạo Linh Quang.

Ưu tiên con em chính sách

Em Đặng Kim Vinh, năm nay 24 tuổi bị nhiễm chất độc màu da cam và là con thương binh. Mồ côi bố lẫn mẹ năm lên 4 tuổi, Vinh đến với trung tâm trong tình trạng bệnh khá nặng. Vào đây, Vinh được chữa bệnh và học nghề, nay em đã là tổ trưởng tổ may thời trang của trung tâm.

Ông Trần Duyên Hải – Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Các em ở đây chủ yếu là con em thương binh liệt sĩ ở nhiều tỉnh thành, có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Trung tâm cung cấp chỗ ăn, ở và học hành. Được giáo dục tốt và do sự tiếp nối từ truyền thống của cha anh để lại, các em nhanh chóng hoà nhập và học việc”.

Theo ông Hải, hiện trung tâm đang đào tạo 4 nghề: May thời trang, dệt, sửa chữa điện tử và tin học. Mỗi năm, trung tâm nhận dạy nghề miễn phí cho hàng trăm trẻ khuyết tật là con em thương binh, gia đình liệt sĩ. Nhiều em giờ đã có cuộc sống riêng ổn định như Nguyễn Trung Kiên - Bí thư chi đoàn trung tâm và là con thương binh 2/4. Kiên bày tỏ: “Em đến với Trung tâm cũng được hơn 3 năm, giờ em đã biết may thành thạo và đang làm gia công cho trung tâm. Ngoài việc có thể nuôi sống bản thân, em còn giúp các em học nghề và vượt qua mặc cảm để hoà nhập với cộng đồng”.

Ngoài việc đào tạo học nghề để có thể tự nuôi bản thân, các thầy cô giáo còn giúp các em giao lưu văn nghệ, sinh hoạt đoàn đội với các bạn khuyết tật, con em thương binh liệt sĩ trong cả nước.

“Bơi giữa dòng lũ”

Đó là hình ảnh ông Hải ví von về những gì mà trung tâm đang phải đối mặt. Trước hết là đào tạo. Dù rất tận tâm, nhiệt huyết với các em nhưng các thầy cô nơi đây cũng không ít lần nản chí. Cô Lê Thị Thuỷ - giáo viên dạy nghề may thời trang buồn bã nói: “Với các em bị khuyết tật, nhất là khiếm thính, việc học nghề rất vất vả. Thực tế mà nói các em rất thông minh và có năng khiếu nhưng bên cạnh đó các em cũng rất bướng bỉnh, làm trái ý là các em bỏ học”.

Theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, đối tượng được ưu tiên hỗ trợ dạy nghề là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Như vậy, con em gia đình chính sách, bị khuyết tật là đối tượng sẽ được hưởng ưu tiên “kép” khi học nghề, nhưng sau học nghề, các em làm thế nào để hành nghề thì chưa có sự hỗ trợ.

Về mặt chính sách, ông Hải chia sẻ, mặc dù Nhà nước đã ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho các trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật, gia đình chính sách do nhà nước thành lập… nhưng thực tế trung tâm của ông và các trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật, gia đình chính sách khác vẫn phải “tự gia, tự tiêu”.

Ông Hải cho biết: “Từ khi thành lập đến nay trung tâm đã phải tự lo kinh phí sinh hoạt và dạy nghề miễn phí các em. Gần đây trung tâm cũng sự quan tâm của các doanh nghiệp cơ quan trong cả nước ủng hộ, giúp đỡ. Nhưng điều chúng tôi mong mỏi nhất là sự giúp đỡ thiết thực bằng các đơn đặt hàng nhân lực, đơn đặt hàng làm nghề… thì chưa có nhiều”.

Thực tế các em ở đây, sau thời gian học việc đều đã có tay nghề và có thể làm ra những sản phẩm xuất khẩu nước ngoài nhưng số lượng rất ít. “Nhà nước luôn nói hỗ trợ thuế, có những ưu đãi cho doanh nghiệp nhận lao động tàn tật, nhưng thực tế thì rất khó để có được ưu đãi nên các doanh nghiệp ngại làm việc, đặt hàng với các trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Điều đó làm cho các em mất cơ hội việc làm, mất cơ hội hoà nhập cộng đồng”.