Bà bảo, trồng nấm không chỉ mang lại thu nhập cao, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, mà còn thân thiện với môi trường.
Năm 2010, được Đề án tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm của UBND tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ, bà Nga xây dựng một xưởng trồng nấm 2.000m2 trên diện tích đất 1ha của gia đình tại xã Hoà Bình. Ban đầu, bà đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng hoàn thiện, khu chứa nguyên liệu trồng nấm, cũng như các khu sơ chế, nuôi nấm với tổng kinh phí lên đến 2 tỷ đồng.
Bà Nga kiểm tra nấm. |
Bà Nga cho biết: "Nguyên liệu trồng nấm tôi sử dụng hoàn toàn từ mùn cưa và rơm. Mùn cưa mua rất rẻ, còn rơm thì đi xin do bà con bây giờ khi thu hoạch lúa xong thường đốt bỏ. Vấn đề còn lại là kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm nữa thôi". Ngay năm đầu tiên bắt tay vào sản xuất, bà đã thu hàng tấn nấm các loại, doanh thu tới 500 triệu đồng, sản phẩm bán rất chạy.
Nấm bà Nga sản xuất hiện nay là nấm rơm (nguyên liệu từ rơm) và nấm sò (nguyên liệu từ mùn cưa). Gần đây, bà đầu tư trồng nấm linh chi. "Trồng nấm linh chi rất kỳ công và khó hơn nhiều so với trồng nấm rơm, nấm sò, nhưng giá trị cao gấp nhiều lần. Trung bình mỗi kg nấm linh chi hiện bán tới 500.000 đồng; thời gian từ trồng đến thu hái chỉ khoảng 4 tháng"- bà Nga tiết lộ. Năm nay, dự kiến riêng nấm linh chi, bà sẽ thu 1 tấn (tương đương 500 triệu đồng), cộng với các loại nấm khác, dự kiến tổng thu khoảng 3 tỷ đồng.
Với sự khởi đầu hoàn hảo, bà Nga đã thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tân Đô. Ngoài giải quyết công ăn việc làm cho gần 10 thành viên trong gia đình, công ty của bà còn thu hút từ 15-20 lao động địa phương, chủ yếu là lao động nữ vào làm việc với thu nhập 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.
"Tôi rất muốn mở rộng quy mô trồng nấm nhưng khó khăn nhất là không có vốn, mà đi vay ngân hàng thì khó quá, vì thủ tục rườm rà, họ lại không cho vay. May mà được tỉnh hỗ trợ 460 triệu đồng để mua giống, trang thiết bị trồng nấm. Tôi dự kiến, từ năm nay trở đi, mỗi năm doanh thu của Công ty từ 3-5 tỷ đồng"-bà Nga tâm sự.
Ngọc Lê