Dân Việt

Chuyện ít biết về những trọng tài tỷ phú tại Việt Nam

Thiên Vũ 13/05/2016 13:30 GMT+7
Thu nhập chỉ từ 7-10 triệu đồng/ tháng từ nghề trọng tài, nhưng không ít vị vua áo đen Việt Nam đang là ông chủ với khối tài sản lên tới hàng tỷ đồng. Tất nhiên, nó đến từ những nghề chính của họ.

Ở Việt Nam và cả thế giới bóng đá nói chung, trọng tài xưa nay không được công nhận là một nghề. Các trọng tài nổi tiếng thế giới đều xem trọng tài như nghề tay trái, họ không coi việc cuối tuần ra sân thổi còi là để kiếm thêm thu nhập mà đó đơn thuần là vì đam mê.

img

Trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành đang là ông chủ của cửa hàng đồ mỹ nghệ tại phố núi. 

Giới trọng tài Việt Nam cũng như thế, hầu hết các trọng tài đều là cán bộ, công chức. Với khoản tiền trung bình từ nghề trọng tài mỗi tháng chỉ từ 7 đến 10 triệu đồng, các trọng tài không đủ để nuôi sống gia đình. Nhưng không ít trọng tài, giám sát ở Việt Nam đều không hề nghèo, thậm chí sở hữu những khối tài sản lên tới hàng tỷ đồng.

Ông Bùi Như Đức, giám sát trọng tài nổi tiếng ở Việt Nam hiện đang là ông chủ của nhà hàng Thỏ Bernie rất rộng ngay bên cạnh sân Thống Nhất. Vị trí đắc địa đã giúp nhà hàng của ông có lượng khách ổn định và thu nhập từ việc kinh doanh nhà hàng của ông mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.

Dù kinh doanh nhà hàng rất tốt, nhưng suốt hàng chục năm qua, ông Đức vẫn gắn bó với nghiệp trọng tài, và thường xuyên phải xa nhà. "Tôi không xem trọng tài là nghề tay trái mà xem đó là đam mê. Cái nghề này không mang lại thu nhập nhưng cho tôi nhiều thứ khác. Tôi nợ cái nghiệp này, nên cứ phải gắn bó với nó không bỏ được", ông Đức chia sẻ.

Thực tế, không chỉ riêng ông Đức mà rất nhiều trọng tài khác ở Việt Nam hiện nay vẫn đang là ông chủ kinh doanh ăn nên, làm ra, nhưng họ vẫn dành gần như toàn bộ thời gian cho nghề trọng tài chứ không phải kinh doanh.

Trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành đang làm ông chủ cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Hồn Gỗ có quy mô lớn tại Pleiku, Gia Lai. Ông Thành cho biết tổng giá trị sản phẩm mỹ nghệ mà ông đang có trên 3 tỷ đồng và công việc kinh doanh cũng rất thuận lợi.

img

Giám sát trọng tài Bùi Như Đức đang là ông chủ của một nhà hàng lớn ở TPHCM, nhưng vẫn dành toàn bộ thời gian cho nghiệp trọng tài. 

Cũng làm ông chủ là giám sát Nguyễn Trọng Lợi. Ông có một cửa hàng bán dụng cụ thể dục thể thao ngay cạnh công viên Đầm Sen. Ngoài ra ông còn sở hữu 6 sân cỏ nhân tạo cho thuê tính giờ. Thu nhập từ những nguồn này cao gấp nhiều lần so với số tiền ông nhận được khi làm nhiệm vụ trên sân cỏ.

Cựu còi vàng Dương Văn Hiền hiện cũng là ông chủ của hàng chục phòng Karaoke và hệ thống sân cỏ nhân tạo ở TP.HCM. Tổng giá trị tài sản mà ông Hiền đang sở hữu lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tất nhiên, trong số cả trăm trọng tài ở Việt Nam đang hành nghề, không phải ai cũng có tài sải hàng tỷ đồng và có nguồn thu nhập ổn định từ kinh doanh. Mà họ vẫn phải chạy vạy để mưu sinh hàng ngày và thực sự xem việc cầm cân, nảy mực thực sự là nghề kiếm sống. Nhiều trọng tài trẻ ngoài việc thổi còi ở V.League và hạng nhất thì vẫn đều đặn liên hệ để tham gia điều khiển các trận đấu phong trào để kiếm thêm thu nhập.

Không bàn đến chuyên môn, chỉ riêng chuyện các trọng tài Việt Nam chấp nhận dấn thân vào nghề nguy hiểm này bất chấp đấy không mang lại thu nhập chính cho họ cũng là một điều đáng quý.