Dân Việt

Ngư dân hưởng lợi từ dự báo ngư trường cá ngừ

Vinh Hải 15/05/2016 17:06 GMT+7
Mô hình dự báo ngư trường - đặc biệt là nguồn lợi cá ngừ đại dương - ngày càng được các nhà khoa học hoàn thiện, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho ngư dân đang ngày đêm bám biển.

Bám biển cùng ngư dân

Tại Việt Nam, các nghiên cứu thiết lập bản tin dự báo ngư trường khai thác cá biển đã được tiến hành từ những năm 1970. Tuy nhiên, các dự báo được xây dựng trên phương pháp truyền thống là chồng bản đồ.

Phương pháp này chỉ dựa trên một lượng không nhiều số liệu cập nhật từ sổ nhật ký khai thác mà chưa gắn kết với các điều kiện sinh học, sinh thái, môi trường biển. Chính vì vậy, chất lượng dự báo chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của ngư dân.

img

Hình ảnh trong một chuyến đi thực địa của các nhà khoa học với ngư dân đánh bắt xa bờ để thực hiện đề tài vào năm 2013 (ảnh do PGS-TS Đoàn Văn Bộ cung cấp).

Theo các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu hải sản, những mô hình dự báo ngư trường cũ có độ trễ khoảng 1 tháng giữa năng suất khai thác theo nghề với các yếu tố môi trường. Những mô hình này được thực hiện ở thời điểm 2008 – 2010 khi chưa có các kết quả dự báo thủy văn, môi trường biển quy mô hạn tháng. Chính vì vậy, năm 2013 Viện Nghiên cứu hải sản được Bộ NNPTNT và Bộ KHCN giao chủ trì đề tài “Nghiên cứu triển khai quy trình công nghệ dự báo ngư trường phục vụ khai thác nguồn lợi cá ngừ đại dương trên vùng biển Việt Nam”.

   Theo PGS - TS Đoàn Văn Bộ, sau khi có được mô hình dự báo kể trên, trong thời gian tới Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư nghiên cứu dự báo theo mô hình sinh thái để ngày càng có những dự báo chính xác hơn phục vụ ngư dân khai thác ngư trường đạt hiệu quả kinh tế cao, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển Việt Nam.  

PGS-TS Đoàn Văn Bộ  (Trường Đại học KHTN-Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm có được quy trình công nghệ dự báo ngư trường hoàn thiện, trọng tâm là đáp ứng việc quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lợi cá ngừ đại dương trên vùng biển Việt Nam. Đồng thời, nâng cao được tiềm lực khoa học công nghệ tiên tiến về hải dương học nghề cá”.

Từ khi thực hiện đề tài, nhiều nhà khoa học đã cùng ra khơi với ngư dân ở các vùng biển xa bờ để nghiên cứu thực địa, cùng ghi chép nhật ký đánh bắt, kiểm chứng lại các số liệu đã được ghi trong nhật ký đánh bắt.

Độ tin cậy 77%

Giáo sư Bộ cho biết, một số nước sử dụng công nghệ tiên tiến để dự báo ngư trường đánh bắt cá ngừ đại dương như gắn chip vào cá mẫu, đặt phao theo dõi hay sử dụng vệ tinh theo dõi đàn cá.

Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam chưa thực hiện được nên việc sử dụng các biện pháp nghiên cứu quan hệ thống kê. Cụ thể, các nhà khoa học đã nghiên cứu tách 26 yếu tố sinh học, sinh thái để lập quan hệ thống kê giữa sản lượng khai thác với các yếu tố đó. Từ đó, xây dựng các dự báo định kỳ với ngư trường khai thác cá ngừ.

Viện Nghiên cứu hải sản cũng làm việc với các chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản để thường xuyên thu thập thông tin từ nhật ký đánh bắt của ngư dân, tập trung ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để có thông tin chính xác nhất. Những thông tin cơ bản cùng phương pháp nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ được đưa vào hệ thống máy tính tại Viện Nghiên cứu hải sản để tính toán vị trí ngư trường đánh bắt cho ngư dân. Thông tin về ngư trường được cung cấp miễn phí qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, đài Icom... đến các ngư dân đánh bắt xa bờ.

PGS-TS Đoàn Văn Bộ cho biết: “Sau khi đưa ra những dự báo 7 ngày, dự báo tháng, chúng tôi nhận được những phản hồi khá tích cực. Tất nhiên, đây chỉ là dự báo không thể chính xác 100%. Theo tính toán, độ tin cậy của phương pháp này đạt đến 77%, có dự báo đạt đến 90%. Trong khi đó, khi nghiên cứu chúng tôi chỉ đặt mục tiêu 60% là đạt rồi”.

Qua gần 3 năm thực hiện, từ đề tài nghiên cứu đã có được mô hình và quy trình công nghệ dự báo ngư trường hạn ngắn khá hoàn thiện.