Kể từ khi bước sang thế kỷ 21, giá bản quyền truyền hình của Premier League đã tăng phi mã để biến đây thành một ngày công nghiệp trị giá hàng tỷ bảng. Mới đây, chỉ riêng 2 đài nội địa Sky Sports và BT Sport đã đồng ý trả đến 5,1 tỷ bảng cho bản quyền truyền hình Premier League từ năm 2016 đến 2019, còn tính thêm các đài khác trên toàn thế giới thì tổng số tiền sẽ khoảng 8,5 tỷ bảng. Tính trung bình, mỗi trận tại giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh nay có giá lên đến cỡ 10 triệu bảng.
Trận cầu đinh giữa M.U và Liverpool có thể thuyết phục 500 triệu khán giả bỏ ra 1 bảng để được theo dõi qua truyền hình.
Tuy nhiên, con số ấn tượng ấy vẫn chưa phải giới hạn cao nhất mà Premier League có thể vươn đến khi trong tương lai một trận đấu thậm chí sẽ thu về đến 500 triệu bảng từ tiền truyền hình, đó là nhận định của Chủ tịch Crystal Palace, Steve Parish. Doanh nhân 51 tuổi, phân tích: “Những gì chúng ta đang chứng kiến thực ra mới chỉ là sự khởi đầu. Chúng ta đang nói về ngưỡng 10 triệu bảng cho 1 trận đấu ở thời điểm hiện tại. Nhưng hãy tưởng tượng rằng nếu có 500 triệu người trên toàn cầu bỏ ra 1 bảng để xem 1 trận cầu đinh tại Premier League thì sao. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, chẳng hạn như khi M.U gặp Liverpool trong trận đấu quyết định danh hiệu.”
Theo tính toán, có đến 730 triệu khán giả hâm mộ Premier League bên ngoài biên giới nước Anh, nên việc 500 triệu người ngồi trước màn hình ti vi xem trận cầu quyết định danh hiệu ở xứ sở sương mù là điều bình thường. Trong xu thế toàn cầu hóa, nhận định của Steve Parish thực chất có thể được thấy ngay tại Việt Nam khi khán giả ở các thành phố lớn vẫn đang sẵn sàng bỏ ra khoảng 30 nghìn đồng (số tiền tương đương 1 bảng) để ra quán café xem các trận cầu đinh ở Premier League. Đương nhiên có sự khập khiễng trong việc so sánh giữa phí thuê bao truyền hình và việc rời nhà ra quán cafe xem bóng đá, nhưng nó cho thấy rõ ràng việc sẵn lòng chi 1 bảng để được xem M.U tranh chức vô địch với Liverpool là hoàn toàn có thật.
Cùng với sự tăng trưởng nóng bỏng ở giá trị của mỗi trận đấu tại Premier League, cuộc chiến bản quyền truyền hình cũng trở nên căng thẳng qua từng năm và tất cả phải tìm ra cách thích ứng với sự vận động của “cỗ máy in tiền” khổng lồ này. Chính khán giả ở Việt Nam cũng đang phải tập làm quen với việc bỏ tiền ra để xem các trận đấu bóng đá quốc tế còn các nhà đài cũng sôi sục vì chuyện bản quyền mỗi lần Premier League mời thầu. Mới đây, việc mua bản quyền Premier League giai đoạn 2016-2019 đã tốn rất nhiều giấy mực trước khi đi đến kết thúc bằng việc Đài truyền hình kỹ thuật số vệ tinh K+ giành được bản quyền.