Vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận với những đồi cát thoai thoải chạy dài, lượng mưa hàng năm không cao. Có lẽ đây là những điều kiện cơ bản để bà con chọn dê làm động vật nuôi quen thuộc.
Đến dải đất Nam Trung Bộ không khó để bắt gặp cảnh những bầy dê vài chục con chạy nhảy lung tung giữa những đồng cỏ thấp. Kinh tế từ việc nuôi dê cũng đã cải thiện đáng kể đời sống của người dân quê xứ này. Sữa dê vừa bổ dưỡng lại được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt là những món ăn ngon từ thịt … dê.
Chuẩn bị món dê hấp lá tía tô.
Do đặc tính sinh học, cả dê đực lẫn dê cái đều có tuyến xạ tiết ra mùi hôi, rất khó ngửi.Trước hết người ta phải tìm cách khử mùi hôi đó ngay từ lúc dê còn sống, sau đó mới cắt tiết, làm thịt.
Dê làm sạch lông, rồi đem thui, cạo rửa lại lần nữa mới xẻ thịt, rọc xương, để ráo nước trước khi chế biến thành các món khoái khẩu: Thịt dê có thể đem xào lăn, tái chanh, nấu cháo hay nấu cà ri dê, độc đáo hơn nữa là dê hấp lá tía tô.
Thịt dê đã hấp chin.
Những miếng thịt dê tươi thái mỏng vừa ăn đem ướp với bột ngọt, tiêu xay, sa tế, đường, … rồi đợi một thời gian cho thịt thấm. Lá tía tô rửa sạch, cắt ra thành những miếng nhỏ rồi chuẩn bị thêm mấy tép sả, củ gừng gọt sạch, đập giập.
Dê hấp lá tía tô được dân gian làm chín theo phương thức hấp cách thủy. Hơi nước sôi sẽ làm chín thịt. Xửng hấp vì thế có những lỗ nhỏ để hơi nước xông lên. Phía dưới đáy xửng, người ta lót sả và gừng đã chuẩn bị, trải những miếng thịt dê lên lớp kế tiếp. Trên cùng rắc lá tía tô, ít hành củ để lá, ít lát ớt sừng trâu đã xắt.
Đặt xửng vô xong, đậy kín nắp và nấu trên lửa lớn. Nước sôi chừng hồi lâu là thịt dê chín mềm. Hơi tía tô như đã thấm vào từng thớ thịt tỏa mùi thơm rất riêng của món ăn này.
Dê hấp lá tía tô có thể chấm với nước tương, có thêm vài lát ớt, có người thích chấm với nước chao, … Vị ngọt đậm đà của món ăn như vấn vương mãi với người được thưởng thức.