Dân Việt

Bỏ tiền thuê lấy chứng cứ trên... Facebook "xử" người vu khống

Hữu Danh 14/05/2016 12:14 GMT+7
Bị vu khống là kẻ trộm trên mạng xã hội, nữ luật sư phải thuê Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng vụ việc để nộp công an, tốn hết 5 triệu đồng tiền phí...

Công an huyện Tân Trụ (Long An) vừa xử phạt hành chính bà Võ Thị Mỹ Phương (32 tuổi, ngụ thị trấn Tân Trụ) 7,5 triệu đồng do có hành vi đưa thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội.

img

Hình ảnh chụp màn hình nội dung bà Mỹ Phương đăng trên Facebook.

Theo hồ sơ, luật sư Nguyễn Thị Diễm Phương và bà Trương Thị Ngọc Hoa cùng góp vốn (mỗi người 50%) và hợp danh thành lập Văn phòng Công chứng Tân Trụ và được UBND tỉnh cấp phép thành lập, Sở Tư pháp cấp phép hoạt động từ tháng 6.2013. Do mẫu thuẫn cá nhân, ngày 1.12.2015 bà Phương và bà Hoa thống nhất chấm dứt hoạt động, thỏa thuận về việc thanh lý tài sản: định giá toàn bộ tài sản của Văn phòng là 42 triệu đồng (1/2 giá trị tài sản là 21 triệu), bà Hoa đồng ý nhận đủ tiền (ký tên nhận tiền vào biên bản) và bà Phương nhận toàn bộ tài sản.

Trong 2 ngày 12 - 13.12.2015, luật sư Phương đến dọn đồ đạc thì bà Võ Thị Mỹ Phương - bạn thân của bà Hoa, đồng thời cũng là người chuyên cung cấp mực in, giấy in cho Văn phòng Công chứng - đến Công an thị trấn Tân Trụ trình báo “có trộm”. Công an đến nơi thấy luật sư dọn đồ của mình nên ra về.

Lúc 6h53 ngày 13.12.2015, bà Võ Thị Mỹ Phương gửi tin nhắn cho luật sư Phương qua tài khoản Facebook Phuong Vo: “Người dân Tân Trụ đang bàn tán vì lẽ gì luật sư Nguyễn Thị Diễm Phương tháo gỡ tài sản văn phòng trong đêm bỏ trốn”. Đến trưa, bà Mỹ Phương đăng trên tài khoản “Phuong Vo” status với nội dung: “Thông báo, đêm 12.12.2015 lúc 19h đến 24h có vụ trộm xảy ra tại Văn phòng công chứng Tân Trụ. Lợi dụng lúc trưởng văn phòng về nhà vào ngày nghỉ cuối tuần, kẻ trộm và đồng bọn tiến hành tháo gỡ toàn bộ đồ trong văn phòng, tẩu thoát trong đêm. Sự thật rất ngạc nhiên là tên trộm đồ không ai khác rất quen thuộc. Đố bạn đó là kẻ nào. Đoán đúng có thưởng”.

Chiều cùng ngày, bà Mỹ Phương đính kèm 6 tấm hình chụp luật sư Phương và nhiều người đang vận chuyển đồ đạc lên xe để minh họa và có ghi chú thích cho chùm ảnh: “Hinh bon trom ne”. Những dòng trạng thái này được bà Hoa cùng một số người khác tham gia bình luận.

Danh dự bị xúc phạm, ngày 18.12.2015, luật sư Diễm Phương thuê Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Tân (TP.HCM) lập vi bằng ghi nhận tất cả những hành vi của bà Mỹ Phương, với chi phí 5 triệu đồng. Những bằng chứng này đã được nộp Công an huyện Tân Trụ để cơ quan này xem xét, xử lý.

I. Vi bằng là gì?

Căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.HCM, quy định: “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”.

Có thể nói Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản (trường hợp cần thiết có thể quay video, chụp ảnh, ghi âm kèm theo) do Thừa phát lại lập để ghi nhận sự kiện, hành vi theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong tài liệu này Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại sự kiện, hành vi một cách trung thực, khách quan mà đích thân Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

II. Giá trị pháp lý của Vi bằng

Căn cứ vào Điều 28 Mục 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ, quy định: về giá trị pháp lý của vi bằng do Thừa phát lại lập như sau:

- Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án.

- Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Vi bằng giúp cho cơ quan, tổ chức, người dân tạo lập chứng cứ pháp lý để bảo vệ tài sản, quyền lợi hợp pháp của mình, góp phần bảo đảm cho việc xét xử khách quan, kịp thời, chính xác.