Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV), do khó khăn về tiêu thụ nên lượng than sạch tồn kho đến hết tháng 3 năm nay lên đến gần 10 triệu tấn. Yếu tố khiến tiêu thụ gặp khó khăn được TKV lý giải do một số hộ sản xuất đạm gặp khó khăn về thị trường, một vài nhà máy điện gặp sự cố dẫn đến tiêu thụ giảm, nhiều nhà máy ximăng trong nước quay ra nhập khẩu than 100%.
Than nhập khẩu tăng mạnh
Báo cáo sơ bộ của Phòng Kiểm tra tính thuế (Chi cục Hải quan Quảng Ninh) cho thấy: 4 tháng đầu năm 2016, lượng than nhập khẩu trực tiếp vào địa phương này lên đến trên 1,6 triệu tấn than, vượt cả năm 2015 là 1,4 triệu tấn nhập khẩu. Chỉ trong một thời gian ngắn, có đến 18 đơn vị nhập trực tiếp các chủng loại than cám từ các thị trường Nga, Australia, Trung Quốc, Indonesia..., đưa thẳng tới các nhà máy điện - đạm - ximăng trong nước tiêu thụ, hoặc đưa về các bến bãi pha trộn cho phù hợp nhằm cung cấp đến khách hàng.
Dù ngành than đang tồn kho gần 10 triệu tấn than, nhưng khá bất ngờ, chính TKV lại là đơn vị nhập khẩu lớn nhất trong số 18 doanh nghiệp (DN) nêu trên. Giám đốc một DN trong ngành ước tính, tại thời điểm này TKV đã nhập gần 300.000 tấn than (kế hoạch năm 2016 nhập khẩu 1,5 triệu tấn) về pha trộn với than của tập đoàn và bán cho các nhà máy. Điều đó cho thấy, than nhập khẩu đang là mặt hàng “hót” bởi giá thành khi về tới Việt Nam luôn thấp hơn từ 5-10USD/tấn nên việc xuất hiện nhiều DN tham gia nhập khẩu mặt hàng này là điều tất yếu của thị trường.
Theo ông Nguyễn Huy Đông - Trưởng phòng Kiểm tra tính thuế (Cục Hải quan Quảng Ninh): Với chính sách ưu đãi thuế bằng không đối với mặt hàng than nhập khẩu, trong năm nay, lượng than từ nước ngoài đưa vào Quảng Ninh sẽ tăng mạnh, lên đến vài triệu tấn. “Rõ ràng, với thị trường giá dầu mỏ và than thế giới không có dấu hiệu tăng giá vào những tháng tới, TKV sẽ phải đối mặt với những khó khăn gấp nhiều lần, bởi than rẻ người ta sẽ đổ xô đi nhập về bán và cung cấp ngay cho nhà máy của mình” - giám đốc một DN ngành than bày tỏ lo lắng.
Tồn kho lớn, giá thành cao
Con số tồn kho gần 10 triệu tấn than sạch ở tại thời điểm này được xem “là đáng báo động” về lối thoát giữ ổn định sản xuất và tăng trưởng của ngành than. Theo một chuyên gia, nếu như những năm trước đây, sản lượng tồn kho 7-8 triệu tấn bởi lý do các hộ như điện - đạm - ximăng sản xuất gặp khó khăn do nền kinh tế hồi phục chậm, thì nay, việc nhập khẩu than thuận lợi với giá thành rẻ hơn giá bán của ngành than. Một khó khăn nữa, bắt đầu từ ngày 1.7, Nhà nước sẽ tăng thuế tài nguyên với việc khai thác than sẽ đẩy TKV ngấp nghé trên “vực thẳm”. “Chưa bao giờ, một “chủ mỏ” lớn như TKV phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với một số đơn vị như TCty Đông Bắc và các DN bên ngoài về cung cấp than như hiện nay” - vị chuyên gia nhận xét.
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, con số gần 10 triệu tấn than tồn kho là mới chỉ là thống kê tại 3 kho vận của TKV, con số thực tồn trên các bãi chứa tại các khai trường sẽ là rất lớn và có thể tới vài triệu tấn. Điều này, gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất do phải cầm chừng và căn cơ, sản lượng bốc xúc đất đá mỏ liên tục giảm, dẫn theo thu nhập của người lao động (NLĐ) không tăng so năm trước. Đại diện kho vận Đá Bạc (Uông Bí) chia sẻ: “Chúng tôi đang tồn kho trên 2 triệu tấn than, thu nhập NLĐ gặp khó khăn với đồng lương ít ỏi từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, bởi do không tiêu thụ được nên tất cả trông chờ vào doanh thu...”.
Trong một cuộc họp bàn về giải pháp quyết định vào giá thành hòn than là chi phí vật tư, lao động, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn cho rằng: “TKV mất quá nhiều thị phần bán hàng truyền thống là do giá không cạnh tranh. Giá bán than không tăng và tiếp tục phải giảm xuống trong vòng 5 - 7 năm tới, trong khi tác động chi phí sản xuất là chuyện lòng vòng mua bán vật tư, đơn giá thiết bị đôn giá; có sự thông đồng của cán bộ mua bán vật tư tại các đơn vị, làm sai lệch chỉ số kỹ thuật, gây thất thoát lớn dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao”...
Vấn đề nêu trên bất cứ ai trong ngành than đều thấu hiểu và những chuyện ăn chặn, hành vi gian dối, khai khống số lượng bóc đất đá/km đường vận chuyển như vụ việc bị bại lộ ở Cty Tây Nam Đá Mài trong năm 2015 cho thấy nhiều lỗ hổng về quản lý của TKV. Đến lúc này, nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo TKV cần sớm đưa ra bài toán đột phá, giải pháp quản trị về giá thành hiệu quả, cùng một chiến lược lâu bền thì mới hy vọng “đưa đoàn tàu cồng kềnh” trở lại thành một ngành kinh tế mạnh trong nước - như cách đây hơn 10 năm về trước.