Ngày 23.5, ông Obama sẽ bắt đầu chuyến công du chính thức Việt Nam.
Khi Tổng thống Obama tới Hà Nội vào ngày 23.5, chuyến thăm của ông sẽ được các nhà báo, phóng viên ảnh theo dõi sát từng cử chỉ. Đây là vị tổng thống Mỹ thứ ba tới Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc ở quốc gia Đông Nam Á này.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel cho biết ông đã sẵn sàng đọc những bài báo, bức ảnh về sự kiện này: “Tôi biết những bức ảnh này sẽ làm tôi rất xúc động”, Hagel nói. Ông từng có thời gian phục vụ 12 tháng trong chiến tranh Việt Nam. Một năm ở Việt Nam đã làm ông thay đổi thế giới quan rất nhiều. “Mọi thứ trong quá khứ sẽ lại quay về”.
Theo tờ New York Times của Mỹ, với ông Obama, chuyến công du tới Việt Nam không chỉ là cơ hội củng cố lời hứa nghiêng trục sang châu Á mà còn giúp cải thiện mối quan hệ kinh tế, an ninh với một quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất khu vực.
Với cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam, chuyến thăm của tổng thống gợi nhắc họ lại nhiều kỉ niệm đau thương khi có người mất tuổi trẻ và cả những người bạn thân thiết nhất. Tranh cãi về nguyên nhân và kết quả của cuộc chiến bi thương nhất thế kỷ 20 sẽ mãi không có hồi kết.
Hagel nói: “Nó vẫn ám ảnh chúng tôi. Hàng ngàn người lính thiệt mạng, những bài học đau xót sau chiến tranh vẫn dằn vặt người Mỹ”. Ông Hagel nói rằng mọi quyết định của ông khi còn làm Bộ trưởng Quốc phòng và những lời khuyên ông gửi tới Tổng thống Obama đều xuất phát từ trải nghiệm ở Việt Nam.
Hagel giờ đây nghĩ rất nhiều về khoảng thời gian thập niên 60 của thế kỷ trước. Cựu Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ ngắm nhìn những bức ảnh của chuyến thăm lần này thật kĩ càng: những cánh đồng xanh mướt, con người thân thiện và chiếc nón truyền thống Việt Nam.
Tổng thống Bill Clinton bắt tay người dân tại một căn hộ trên phố Văn Miếu.
Một trong những trở ngại lớn nhất giữa hai quốc gia là việc Mỹ tin rằng nhiều binh lính vẫn bị giam giữ ở Việt Nam khi một thuyết âm mưu được những bộ phim thập niên 80 như “Missing in Action” châm ngòi và kích động. Hiện nay một lá cờ đen tưởng niệm những tù nhân trong chiến tranh vẫn tung bay trên đồi Capitol và nhiều khu vực khác trên toàn nước Mỹ.
Với nhiều cựu chiến binh khác, chuyến thăm của ông Obama là lời chào mừng tới hai thế hệ người Mỹ sau cuộc chiến và nhấn mạnh tầm quan trọng của bài học chiến tranh tới nước Mỹ.
Bobby Muller, một cựu binh và nhà vận động phản chiến nổi tiếng ở Mỹ nói: “Việt Nam đã trải qua những thời khắc khó khăn, những bi kịch đầy tai ương ập đến hàng triệu con người nhưng giờ đây tất cả đều coi như chưa xảy ra. Làm được điều này quả là rất phi thường với nhân dân Việt Nam”.
New York Times cho rằng, chuyến thăm lần này của ông Obama sẽ không chú trọng vào những binh lính tử nạn như thời Tổng thống Bill Clinton năm 2000. Thay vào đó, ông Obama sẽ tập trung vào sự hợp tác, phát triển giữa hai quốc gia nhằm giải quyết hậu quả của chất độc màu da cam. Ngoài ra, đây là một biểu tượng mang tính hàn gắn tâm lý cho những cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam và bị ghẻ lạnh khi về nước.
Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu binh Việt Nam từng bị bắt giam nói rằng nỗ lực hòa giải và bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ là thành tựu đáng tự hào nhất trong cuộc đời ông. Ông nói rằng mình tới Việt Nam rất thường xuyên tới nỗi “Tôi quen thuộc với nhiều con phố ở Hà Nội còn hơn cả ở Phoenix quê nhà”.