Cán bộ, chiến sỹ Công ty 732 cùng dân mở đường. Ảnh: L.K
Từ sớm, những trai tráng và cả người già làng Giang Lố 2 (dân tộc Xê Đăng) đã có mặt tại điểm tập kết với cuốc, xẻng, xe đẩy… trên tay chuẩn bị dọn đường đổ bê tông, mở con đường vào cánh đồng vốn xưa nay được coi là “ốc đảo”. Già A Xem – già làng Giang Lố 2 vui mừng nói: “Lâu nay, bà con ở đây ao ước có con đường vào rẫy nhưng vẫn chưa có được. Hôm nay được A Tâm (tên người dân Giang Lố gọi trung tá Trịnh Hà Tâm - Giám đốc Công ty 732) hỗ trợ kinh phí, kêu gọi bà con cùng góp sức mở đường vào cánh đồng. Từ nay có đường bê tông rồi thì cái chân không còn mỏi nữa, ngồi trên xe cũng chạy đến nơi”.
Già A Xem cho hay từ làng vào cánh đồng Giang Lố gần 10km, xa thì vài chục km, đồi núi trập trùng khiến việc đi lại rất khó khăn. Vào mùa mưa đi mất hơn nửa ngày mới vào tới rẫy. Trong khi phần lớn diện tích canh tác của người dân đều nằm ở nơi đây với hơn 1.500ha. Sau mỗi mùa vụ, trừ chi phí đi lại khó khăn bà con chỉ lấy công làm lời… Đứng bên đống hồ trộn bê tông, anh A Hoàng chia sẻ: “Tôi có 5 sào rẫy ở đây, mỗi khi vào rẫy làm không ít lần chảy nước mắt. Nếu đi bộ thì gần nửa ngày mới tới nơi, còn đi xe máy phải quấn xích vào bánh xe, kèm 2-3 người theo phụ kéo thì xe mới lăn bánh được. Do đất sản xuất còn thiếu nên bà con khó mấy cũng cam chịu. Có đường đi thì không sợ bị thương lái ép giá, không còn lo chuyện thiếu ăn”.
Nói về con đường, trung tá Trịnh Hà Tâm – Giám đốc Công ty 732 (Binh đoàn 15) cho hay: “Đây là ý tưởng mà đơn vị ấp ủ bấy lâu. Không có đường, Giang Lố lâu nay như “ốc đảo” – khó vào lẫn khó ra. Muốn nhanh, bà con phải đi đường vòng cách xa hơn 50km mới đến nơi. Do đi lại khó khăn, trèo đèo lội suối vất vả nên bà con làm ra củ mì, hạt lúa đều bị tư thương ép giá. Vì vấn đề này, Ban giám đốc công ty đã quyết định kêu gọi cán bộ, chiến sĩ góp sức, góp tiền giúp dân làm đường. Theo đó, con đường từ làng vào cánh đồng Giang Lố dài hơn 8km đã được đổ bê tông sạch đẹp…”.
Ngoài việc giúp bà con làm đường, phát triển kinh tế, đơn vị còn nhận gần 700 lao động tại chỗ vào làm công nhân với thu nhập ổn định. Sự đổi thay này đã khiến nhiều người dân ở đây từng theo đạo Hà Mòn đã từ bỏ, quay về tu chí làm ăn…