Dân Việt

Lãnh đạo Sở GD khẳng định đề thi Văn gây "hại não" không có sai sót

Mỹ Hà 17/05/2016 13:56 GMT+7
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết đã báo cáo Tỉnh ủy Gia Lai về vụ đề thi "hại não" gây xôn xao dư luận vừa qua và khẳng định đề thi không có gì sai sót, chỉ hơi… rối một chút, gây khó hiểu cho học sinh.

Ngày 17.5, bà Trần Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết, đơn vị này đã báo cáo tỉnh ủy về vụ đề thi “hại não”. Đồng thời qua thống kê sơ bộ khoảng 50% số trường trên địa bàn, chất lượng bài thi (cả môn Văn) tương đương năm ngoái.

Theo bà Hà, trước những dư luận trái chiều trên công luận về đề thi môn Ngữ văn học kỳ II vừa qua, tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ đạo Sở GD-ĐT báo cáo tình hình xem đề thi có sai sót không, đồng thời báo cáo chất lượng bài thi của học sinh có bị ảnh hưởng từ đề này.

Sở cho rằng, về quy trình ra đề, đã có cả một Hội đồng, gồm những giáo viên có nghiệm, đã tham gia ra đề nhiều năm. Trong đó, câu hỏi gây nhiều tranh cãi là do cô Đinh Thị Như - Tổ trưởng tổ Văn trường PTDT Nội trú tỉnh, cô Hà Thị Hoài Phương - Tổ trưởng tổ Văn trường THPT chuyên Hùng Vương (TP.Pleiku) ra đề, người phản biện là thầy Đặng Văn Du - Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Pleiku (TP.Pleiku).  Ông Lê Duy Định (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, Chủ tịch hội đồng ra đề) là người thẩm định cuối cùng.

img

Đề thi môn Ngữ Văn của Sở GD&ĐT Gia Lai.

“Ở phần đọc hiểu, theo nguyên tắc, người ra đề được phép đưa một văn bản ngoài sách giáo khoa để học sinh làm bài. Vì vậy, giáo viên ra đề đã chọn đoạn văn bản mà cô thấy hay để đưa vào đề thi.

Khi báo chí đưa thông tin về đề thi lên công luận, sở cũng đã báo cáo tỉnh ủy để các lãnh đạo nắm tình hình cũng như giải trình và khẳng định đề thi không có gì sai sót, chỉ hơi… rối một chút gây khó hiểu cho học sinh” - bà Hà cho hay.

Trao đổi về chất lượng bài thi môn Ngữ văn lần này, cũng như sở có hướng dẫn chấm cho câu hỏi khó này không, bà Hà cho hay, khi đề thi được đưa lên mạng, là lúc kỳ thi đã kết thúc. Thậm chí ngay lúc đó, một số trường đã gửi điểm thi về sở vì đã hoàn tất việc chấm thi.

“Chất lượng không có đột biến so với học kỳ I, kể cả môn Ngữ văn cũng vậy. Riêng trường THPT chuyên Hùng Vương, kết quả còn nhỉnh hơn học kỳ I một chút” - bà Hà nói.

Được biết, ngay sau khi đề thi “hại não” trên đây được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở GD-ĐT Gia Lai cũng đã nhắc nhở giáo viên ra đề. Mặc dù đề thi không sai nhưng cũng nên rút kinh nghiệm để ra đề đơn giản và phù hợp hơn.

Trước đó, đề thi môn Ngữ Văn học kỳ II ở Gia Lai đã có nhiều tranh cãi. Trong đó, phần đọc hiểu (2,0 điểm), khi đề thi trích dẫn một đoạn trong bài viết "Thắp mình để sang xuân" của tác giả Đoàn Công Lê Huy được nhiều độc giả “tá hỏa” vì câu văn rối rắm, khó hiểu.

"Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là 2 vật tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa, để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm phải chết vì thiếu lửa.

Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun con rắn. Không có lửa, làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ!

Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ việc cha, việc nhà việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ? Không có lửa, em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh? Em... sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ... Cho nên: Biết ủ lửa để giữ phẩm cách - người, nhân cách - Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa, sao thành mùa xuân?"

Ngay sau khi đăng tải về đề thi này, nhiều độc giả đã phản hồi theo hai luồng ý kiến khác nhau. Có em học sinh đã viết thư về tòa soạn cho rằng, đề thi quá rối khiến mình không thể làm bài được.