Dân Việt

Tiền hiếu hỷ có thể được tính vào chi phí sản xuất của EVN

Anh Minh 17/05/2016 17:33 GMT+7
Dự thảo Quy chế tài chính của Tập đoàn Điện lực đề xuất việc tính thêm các khoản chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để lấy ý kiến đóng góp. Văn bản này có sửa đổi, bổ sung một số điều so với quy chế hiện hành, được áp dụng từ cuối năm 2014.

img

Một số khoản chi mới có thể được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện.

Theo đó, các khoản chi có tính chất phúc lợi trực tiếp như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị, chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo, chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác... sẽ được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.

“Tổng số chi không quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN”, dự thảo nêu rõ.

Trên thực tế, đây là những khoản chi mới, chưa được quy định trong quy chế hiện hành của EVN. Trước đó từ tháng 3, Bộ Tài chính cũng công bố dự thảo tương tự về quy chế tài chính với một doanh nghiệp Nhà nước khác là Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam), song các khoản chi nói trên cũng không được đưa vào khung quy định về chi phí sản xuất kinh doanh của đơn vị này.

Ngoài ra, dự thảo cũng liệt kê 19 chi phí được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Điện lực, gồm: chi phí nguyên vật liệu, chi phí công cụ dụng cụ lao động, chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi phí giao dịch, đào tạo... Các khoản chi trong khung này sẽ được trừ vào doanh thu để tính lợi nhuận, tiền thuế và đóng góp vào ngân sách của tập đoàn.

Với các khoản lợi nhuận còn lại sau khi đã bù đắp lỗ năm trước và chia lãi cho các thành viên góp vốn, cơ quan quản lý cho phép phân phối vào 3 quỹ: Đầu tư phát triển (tối đa 30%), Khen thưởng - phúc lợi cho người lao động (1-3 tháng lươn) và Thưởng cho người quản lý, kiểm soát viên. Số còn lại sẽ nộp về ngân sách Nhà nước.

Về chế độ quản lý tiền lương, thưởng đối với người lao động và lãnh đạo, quy chế yêu cầu thực hiện theo quy định chung, song được tính toán để loại trừ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến lợi nhuận, năng suất lao động; khoản chênh lệch tỷ giá chưa được đưa vào trong phương án giá điện; khoản thu từ mở rộng sản xuất, đầu tư mới vào ngành nghề kinh doanh chính...

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định trường hợp EVN có vốn chủ sở hữu lớn hơn so với vốn điều lệ và có có nhu cầu tăng vốn điều lệ thì xây dựng phương án, trình các bộ và Thủ tướng. Trong trường hợp không có nhu cầu, tập đoàn sẽ báo cáo để chuyển tiền từ Quỹ đầu tư phát triển của EVN về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.