Nghiên cứu thành công cây cấy mô
Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công giống cây keo cấy mô. Ảnh: Đoàn Hồng
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, đơn vị sẽ chú trọng nghiên cứu những giống cây trồng mới đặc thù nhưng có giá thành thấp hơn, nhằm giúp bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập”. Ông Nguyễn Đình Vương |
Ông Nguyễn Đình Vương - Giám đốc Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua trung tâm được giao nhiệm vụ chủ yếu là phát triển lĩch vực lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con ND trên địa bàn.
Từ năm 2015 đến nay, với chủ trương phát triển trồng rừng theo hướng thâm canh gỗ lớn, giá trị cao hơn, trung tâm đã nghiên cứu và sản xuất thành công giống cây keo cấy mô nhằm thay thế cây keo trồng bằng hạt, keo lai… Hiện chương trình thử nghiệm cây keo cấy mô đang được trồng khoảng 100.000 cây giống tại các huyện miền núi như: Hiệp Đức, Tiên Phước và Tây Giang.
Về giá thành, cây keo cấy mô cao hơn so với keo hạt, keo ghép từ 500 đến 1.000 đồng/cây, bởi để có được cây keo cấy mô tốn thời gian nhiều, từ nghiên cứu, cấy mô trong lồng trại đến ra ngoài trại và chọn những cây giống tốt, chất lượng mới chuyển về cho ND. Mỗi lần cấy như vậy được khoảng vài ngàn cây chứ không đại trà như keo trồng hạt. “Tuy mới thử nghiệm 2 năm, nhưng cây keo cấy mô được bà con ND đánh giá phát triển nhanh, sức sống mạnh hơn so với các loại cây keo trồng bằng hạt, khả năng chống đổ tốt, giá thành gỗ khi xuất bán cao hơn khoảng 1,5 lần so với các giống keo thông thường” - ông Vương cho biết.
Ngoài thành công với cây keo cấy mô, trung tâm còn nghiên cứu ứng dụng sản xuất cây dược liệu, đó là cây sâm ba kích theo đề án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng của UBND tỉnh. Trong 2 năm 2015-2016, trung tâm đã chuyển giao 50.000 cây sâm ba kích cho 6 hộ tham gia chương trình thử nghiệm tại xã Jơ Ngây (huyện Đông Giang), Quế Bình (huyện Hiệp Đức), A Tiêng (huyện Tây Giang); tiến hành đưa ra vườn ươm cây giống sâm ba kích nuôi cấy mô để trồng khảo nghiệm xen canh dưới tán rừng...
“Đây là các chương trình nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các địa phương trên địa bàn để cấp miễn phí cho người ND. Việc hỗ trợ cây giống này nhằm giải quyết khó khăn cho đồng bào ở vùng miền núi phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo bền vững” - ông Vương nói.
Hướng dẫn kỹ thuật đến tay nông dân
Không những nghiên cứu thành công nhiều giống tốt để giúp người ND trên địa bàn, trung tâm còn định hướng giúp ND theo cách “đến tận nơi, cầm tay chỉ việc” giúp bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả vào chăn nuôi, sản xuất.
Trung tâm giống Nông – Lâm nghiệp Quảng Nam đã xây dựng và đưa vào sản xuất những giống lúa tốt phù hợp với điều kiện thời tiết của Quảng Nam. Ảnh: Đoàn Hồng
Trong năm 2015, trung tâm đã tập huấn đến tận cơ sở cho hàng trăm lượt bà con ND thông qua đội ngũ “dẫn tinh viên”, truyền tinh nhân tạo cho đàn gia súc (chủ yếu là bò). Cụ thể, trung tâm đã cung ứng 3.075 liều tinh bò đông lạnh, 3.075 bộ dụng cụ, 3.220 lít nitơ lỏng cho các huyện.
Ông Vương cho biết thêm, thực hiện theo nội dung phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Nam về hướng chăn nuôi sạch, con giống tốt, trung tâm đã tổ chức chọn điểm, chọn hộ tại xã Tam An (Phú Ninh), Bình Trung (Thăng Bình), Quế Lưu (Hiệp Đức) thí điểm lai tạo thành công bò, trâu lai F1. Theo đó, trung tâm đã ứng dụng thử nghiệm 255 con bò cái có chửa, số bê lai ra đời 250 con, trọng lượng sơ sinh bình quân từ 28 - 36 kg/con, bê lai sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với trâu lai F1, 56 con trâu cái có chửa, số nghé lai ra đời 52 con, trọng lượng sơ sinh bình quân từ 32- 38 kg/con, trâu nghé sinh trưởng, phát triển tốt, tiếp tục kiểm tra, theo dõi số lượng trâu nghé đã ra đời. Ngoài ra, trung tâm còn ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và đang đưa cán bộ đến Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp để học tập, tiếp nhận công nghệ mới nhằm giúp ND trên địa bàn.