Dân Việt

Lao động Việt lại rộng cửa vào thị trường Hàn Quốc

Mỵ Lương 18/05/2016 10:23 GMT+7
Sau 4 năm “cửa đóng then cài” (từ 2012), ngày 17.5.2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc đã tổ chức lễ ký kết Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động (LĐ) Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.

Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá: “Việc ký kết lại bản thỏa thuận bình thường của hai nước trong việc phái cử và tiếp nhận LĐ mở ra cơ hội cho rất nhiều LĐ Việt Nam. Sắp tới giữa hai Bộ sẽ bàn các biện pháp cụ thể nhằm đưa LĐ sang Hàn Quốc”.

Ký quỹ hạn chế LĐ bất hợp pháp

Theo ông Diệp, để bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận LĐ Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc mang tính bền vững, cần có sự phối hợp của các ngành, các địa phương và các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc thực hiện giải pháp nhằm giảm tỷ lệ LĐ cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

“Trước mắt cần áp dụng quy định ký quỹ với người LĐ trước khi xuất cảnh, thành lập Văn phòng quản lý LĐ theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) tại Hàn Quốc để tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người LĐ. Đồng thời chính quyền, đoàn thể tại các địa phương có nhiều LĐ ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp vận động các gia đình thuyết phục người thân trở về nước. Việt Nam cũng cần phối hợp các cơ quan chức năng của Hàn Quốc gặp gỡ, tư vấn và vận động LĐ trở về nước đúng thời hạn. Đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ người LĐ tái hòa nhập, tìm việc làm mới trong nước sau khi kết thúc hợp đồng trở về, xử phạt các vi phạm hành chính đối với LĐ hết hạn hợp đồng nhưng ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp” – ông Diệp cho hay.

img

Phổ biến kiến thức cho  lao động trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc. Ảnh: Tư liệu

Theo số liệu từ Cục Quản lý LĐ ngoài nước  (Bộ LĐTBXH), từ năm 2004 đến nay đã có hơn 75.000 LĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc với việc làm và thu nhập ổn định, trung bình từ 1.000 - 1.500 USD/người/tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ LĐ Việt Nam bỏ hợp đồng, hết hạn hợp đồng làm việc không trở về nước và ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc khá cao, ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác LĐ giữa hai bên. Cũng bởi tỷ lệ LĐ Việt Nam hết hạn hợp đồng không trở về nước đúng hạn cao nhất trong số 15 nước tham gia Chương trình EPS với Hàn Quốc (có lúc lên đến 57%, gấp đôi so với mức trung bình của 14 nước còn lại) nên năm 2012, phía Hàn Quốc đã dừng tiếp nhận LĐ Việt Nam theo chương trình này.

Xử tù nếu LĐ “chui”

Về thủ tục đăng ký tự nguyện về nước, theo ông Tống Hải Nam, người LĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước cần mang theo hộ chiếu hoặc giấy thông hành còn hiệu lực và vé máy bay tới Văn phòng Quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế Hàn Quốc vào ngày muốn xuất cảnh để đăng ký làm thủ tục về nước

Từ tháng 8.2012 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về Chương trình EPS mà chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn 1 năm lần lượt vào ngày 31.12.2013 và ngày 10.4.2015. Theo đó, chỉ những LĐ đã kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2012 và những LĐ đã làm việc tại Hàn Quốc thuộc diện tái nhập cảnh có thể tham gia chương trình. Điều này đồng nghĩa với hàng năm, hàng chục ngàn LĐ Việt Nam không có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

Bằng sự nỗ lực của các cơ quan hai nước, tỷ lệ LĐ hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% vào cuối năm 2013 xuống còn khoảng 35% vào cuối năm 2015. Số LĐ cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người xuống còn hơn 15.000 người.

Ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho hay, đối với trường hợp người LĐ Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng LĐ, tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1.5 đến hết ngày 30.9.2016 sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật Việt Nam.

“Sau ngày 30.9.2016, cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc thường xuyên tổ chức truy quét LĐ nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Trường hợp bị phát hiện sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won (tương đương 768 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Trường hợp không nộp phạt sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt. Sau đó, những LĐ này sẽ bị trục xuất về nước. Về phía Việt Nam, các trường hợp không đăng ký tự nguyện về nước trong thời gian ân xá, từ ngày 1.10.2016 sẽ bị xử phạt theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, với mức phạt lên đến 100 triệu đồng” – ông Nam cho biết.