“Đó là chuyến cứu nạn kinh hoàng nhất từ trước đến nay trong cuộc đời cứu nạn, cứu hộ của tôi” - thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 412 Phan Xuân Sơn nhớ lại.
Cho đến bây giờ, anh Sơn vẫn còn nhớ như in những chi tiết nhỏ của chuyến đi cứu nạn lịch sử này.
“Bình thường, khi chúng tôi ra đến nơi cứu nạn đều gặp được ánh mắt sung sướng của ngư dân, nhưng chuyến đi ngày 21.5.2006, không khí tang thương, ánh mắt sợ hãi bao trùm cả vùng biển đen” - anh Sơn kể lại.
Vợ thuyền viên tàu QNa 95959 vui mừng khi chồng thoát nạn trên biển. (Ảnh: Đình Thiên)
Đó là khoảng 14h chiều 21.5.2006, Trung tâm 2 nhận được lệnh ra khơi để tiếp nhận ngư dân tử nạn trên biển và đưa một số ngư dân còn sống trong cơn bão Chan Chu về đất liền. Khi nhận được lệnh, tàu Sar 412 đang cách vị trí cứu nạn tới 280 hải lý. Trên bờ, thông tin hàng chục tàu thuyền của ngư dân bị siêu bão Chan Chu đánh chìm khiến tất cả ai nghe thấy đều run rẩy.
Tàu Sar 412 cùng tàu Sar 411 (điều động từ Hải Phòng) và tàu HQ 628 lập tức tăng tốc ra khơi mong có thể kịp cứu thêm được tính mạng ngư dân. Thời điểm đó, tàu Sar 412 tiếp nhận 8 tử thi và 13 nạn nhân còn sống từ một số tàu cá ngư dân. Tất cả nạn nhân đều được để nằm trong những chiếc thùng nhựa cắt đôi.
“Nhìn đồng bào mình vặt vẹo trong những thùng nhựa sình nước, không ai có thể cầm được nước mắt” - anh Sơn xúc động.
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn chỉ huy tàu cập cảng để đưa ngư dân bị nạn vào bờ. (Ảnh: Đình Thiên)
Đến khoảng 13h ngày 23.5, sau chuyến hải trình dài 3 ngày 2 đêm, tàu Sar 411 về tới đất liền trong sự ngóng đợi của hàng nghìn người dân và các cấp chính quyền.
Ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Trung tâm Phối hợp và tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Trung tâm 2, đóng tại Đà Nẵng) chia sẻ, cơn bão Chan Chu năm 2006 để lại hậu quả khủng khiếp. Thời điểm đó, đơn vị ông có 2 tàu, nhưng chỉ có tàu Sar 412 mới có thể đi cứu nạn được trong tình hình thời tiết khắc nghiệt và hải trình dài trên biển.
Theo ông Nguyên, để giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân khi gặp sự cố trên biển, ngoài việc phải dự báo thời tiết chính xác thì các đơn vị cứu nạn phải được trang bị nhiều tàu hơn cả số lượng và chất lượng.
Được biết, đến nay Trung tâm 2 vẫn không được trang bị thêm tàu và thiết bị dù số chuyến đi cứu nạn ngư dân hàng năm tăng lên theo cấp số nhân.
Trong đó, vào năm 2006, Trung tâm 2 chỉ có 6 lượt xuất hành đi cứu ngư dân, đến năm 2011 có 9 lượt, năm 2014 tăng lên 32 lượt, năm 2015 tăng tới 36 lượt và 4 tháng đầu năm 2016, Trung tâm 2 đã có 17 chuyến xuất hành…
“Nếu có Chan Chu thứ 2, trong tình hình hiện nay cũng khó có thể giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân được…” - ông Nguyên nói.