Vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: D.T
Chi cục cũng tiếp tục tiến hành lấy mẫu nước tại 10 vị trí trên kênh để xét nghiệm theo từng ngày để có biện pháp xử lý thích hợp. Tuy nhiên đại diện chi cục cho rằng đây chỉ là các giải pháp tạm thời, về lâu dài thành phố cần có các giải pháp cải thiện ô nhiễm môi trường trên kênh, kiểm soát nguồn nước thải để tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Trước đó, ngày 17.5 khi phát hiện cá chết hàng loạt dưới kênh, Sở NN&PTNT TP.HCM đã rải 5 tấn Zeolite xuống kênh để cứu cá. Tại cuộc họp vào chiều cùng ngày, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT - nói, tình trạng cá chết trên kênh là do ô nhiễm hữu cơ và khí độc sau khi hiện các cơn mưa đầu mùa xuất hiện và cuốn nước thải, nước cống ra kênh. Tình trạng cá chết vào đầu mùa cũng từng xảy ra vào năm 2014 và 2015.
Còn ông Trần Văn Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM - cho rằng, môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dễ bị ô nhiễm, bởi kênh này nối với hệ thống cống thoát nước nơi thượng nguồn (Q.Tân Bình), dòng nước ít lưu thông. Do đó khi có mưa, nước thải sinh hoạt, các chất dơ bẩn, rác sẽ theo nước mưa đổ vào kênh gây ô nhiễm.
Theo Sở TNMT TP.HCM, đến trưa 18.5 về cơ bản đơn vị này đã vớt xong gần 70 tấn cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trong đó cá chết tập trung nhiều ở khu vực thượng nguồn như khu vực cầu số 5, số 6 và số 7. Lượng cá chết trên kênh được mang đi xử lý tiêu hủy tại bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh.