Dân Việt

Hội Gióng trở thành di sản thế giới: Gìn giữ khát vọng hòa bình

18/11/2010 10:02 GMT+7
(Dân Việt) - Được tôn vinh ở tầm thế giới bởi mang những giá trị chung của nhân loại, việc bảo tồn, phát huy di sản Hội Gióng ở VN đặt ra những thách thức lớn ngay từ lúc được công nhận.

Tầm vóc thế giới

Tiếp nối hai sự kiện Bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám trở thành di sản tư liệu thế giới, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hoá thế giới trước thềm Hà Nội nghìn năm, Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) đã được công nhận Di sản văn hoá đại diện của nhân loại.

img
Lễ hội Gióng

Lần đầu tiên trong hàng nghìn lễ hội ở VN, Lễ hội Gióng được ghi danh di sản thế giới. Hồ sơ Hội Gióng do UBND TP.Hà Nội, Bộ VH- TT&DL, Uỷ ban UNESCO VN phối hợp xây dựng với vai trò thực hiện của Viện Văn hoá nghệ thuật và Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

img Hội Gióng mở cạnh Thăng Long nhưng qua bao đời, nó vẫn không bị "triều đình hoá", mà vẫn là lễ hội của dân, do dân gìn giữ, tổ chức, tham gia đông đảo. Tính nhân dân là một trong những tiêu chí được quốc tế đánh giá rất cao! Như vậy, Hội Gióng có tinh thần chống chiến tranh, khát vọng hoà bình… đều là những giá trị có tính phổ biến của nhân loại. img

GS Ngô Đức Thịnh

Thực tế, bộ hồ sơ được xây dựng trong thời gian ngắn và làm rất gấp rút, nhưng có sự hợp tác chặt chẽ của các nhà khoa học nên đã đáp ứng những tiêu chí của UNESCO. Tưởng nhớ một nhân vật truyền thuyết của VN được ghi nhận, đây là lễ hội được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và coi lễ hội như một phần bản sắc của mình.

Theo GS Ngô Đức Thịnh - thành viên Hội đồng di sản quốc gia, người tham gia phản biện hồ sơ, thì 4 điểm đặc sắc của Hội Gióng được thể hiện trong sự tích hợp nhiều lớp văn hoá qua hàng ngàn năm tồn tại với nhiều hình thức thể hiện độc đáo; tư tưởng chống ngoại xâm và khát vọng hoà bình với hình ảnh rất đẹp đẽ khi Thánh Gióng đánh xong giặc, bỏ lại áo giáp bay về trời; hệ thống diễn xướng tuyệt vời cùng các biểu tượng sinh động của một trong những lễ hội tiêu biểu nhất ở VN.

Cho những mùa hội thăng hoa

Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản luôn được giới chuyên môn, dư luận lên tiếng trước, trong và sau khi di sản được vinh danh. Trong sự hình thành, duy trì Lễ hội Gióng còn có quần thể di tích thờ phụng Thánh Gióng như đền Phù Đổng, đền Sóc…

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền khẳng định: Chúng ta cần bảo tồn những gì liên quan đến Thánh Gióng từ nguyên thuỷ đến bây giờ. Trong đó, cùng với di tích, có sự tổng hoà của những dòng văn hoá tụ về từ các địa phương. Như nghi thức múa Ải Lao, ý nghĩa của động tác múa cờ, việc chỉ rước ngựa trắng trong lễ hội, hay việc "tranh cướp" chiếc chiếu, kể cả sự xuất hiện của trẻ con…

GS Lê Văn Lan nhấn mạnh thêm: Hồ sơ được xây dựng trên cơ sở 2 lễ hội đền Phù Đổng ở Gia Lâm mở ngày 8-4 và đền Sóc ở Sóc Sơn mở ngày 6-1 âm lịch. Lần đầu tiên có sự liên kết 2 lễ hội vốn tách biệt, độc lập. Nay có sự kết nối của thời điểm, không gian và quan trọng là chủ đề tín ngưỡng, văn hoá của lễ hội, tính phức hợp sẽ phần nào gây khó khăn trong nghiên cứu, chỉ đạo, tổ chức lễ hội, tạo ra sự phức tạp. Ngoài những ý nghĩa sâu xa trên thì trước hết việc giữ gìn trật tự, văn minh lễ hội là vô cùng cần thiết.

>> Ngày 4-8-2009, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đồng ý UBND TP. Hà Nội lập hồ sơ Lễ hội Gióng trình UNESCO.

>> Ngày 19-4, các đại biểu quốc tế trong Hội thảo "Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội VN đương đại" đi thực tế cuộc diễn tập tổ chức Hội Gióng của nhân dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

>> Ngày 31-8-2009, hồ sơ Lễ hội Gióng hoàn thành, được gửi tới UNESCO.

>> Ngày 16-11, Kỳ họp thứ 5 của Uỷ ban Liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO công nhận Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của VN là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.