Dân Việt

Nhiều dịch bệnh sắp hoành hành vào mùa hè

Diệu Thu 19/05/2016 10:36 GMT+7
Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cảnh báo viêm não Nhật Bản, tay chân miệng… là những bệnh truyền nhiễm cấp tính sắp hoành hoành mỗi khi hè về.

img

Thời tiết nắng nóng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển gây bệnh cho trẻ.

Viêm não, tay chân miệng vào mùa

Theo thông báo của Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế, hiện viêm não Nhật Bản và tay chân miệng đang xuất hiện rải rác ở một số địa phương, đặc biệt nguy hiểm là viêm não Nhật Bản.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, P. Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, vào hè, Viện bắt đầu ghi nhận một số ca viêm não, tay chân miệng.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng lo ngại nhiều dịch bệnh sẽ hoành hành vào mùa hè.

Chuyên gia lý giải, thời tiết nắng nóng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể tử vong.

Đối với bệnh viêm não, khoảng 20-30% số bệnh nhân có triệu chứng viêm não bị tử vong, thường gặp ở những bệnh nhi nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt. Khoảng 30-50% số người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần.

Đặc biệt, viêm não có biến chứng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản- phổi do bội nhiễm vi khuẩn bởi sự hỗ trợ hô hấp như thở máy, đặt nội khí quản, thông tiểu... do các dụng cụ y tế không được vô khuẩn tuyệt đối. Một số có di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh này hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson.

Sau viêm não Nhật Bản, tay chân miệng cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh dịp hè.

Theo PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai, tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh tăng mạnh từ tháng 5 đến tháng 9.

Trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như: Khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ. Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Nguy cơ sốt vàng xâm nhập

Ngoài hai bệnh truyền nhiễm cấp tính đang có nguy cơ lây lây mạnh trong mùa hè là tây chân miệng và viêm não, Việt Nam còn đối diện với nguy cơ xâm nhập của bệnh sốt vàng.

Theo WHO, bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A do vi rút sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỷ lệ tử vong có thể đến 50%. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng và đau cơ; khoảng 15% trường hợp mắc sốt vàng phát triển các triệu chứng nguy hiểm dẫn đến chảy máu, sốc, tổn thương nội tạng và có thể tử vong. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, sử dụng vắc xin phòng bệnh sốt vàng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam chưa lưu hành bệnh sốt vàng, tuy nhiên, nước ta có giao lưu, thương mại, hợp tác lao động với Angola và nhiều quốc gia đang có dịch, do đó có thể lây lan các trường hợp mắc bệnh sốt vàng từ nước đang có dịch trở vào nước ta.

Để chủ động phòng chống, không để mắc bệnh sốt vàng khi đến các vùng có dịch, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân đến từ các quốc gia khu vực châu Phi và Mỹ La tinh chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi/đến vùng có dịch; Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần thực hiện các biện pháp phòng phòng muỗi đốt và diệt muỗi, bọ gậy theo hướng dẫn của nước sở tại.

Đặc biệt, hành khách từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo, biện pháp phòng dịch bệnh trong mùa hè là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường, nhà ở, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Người dân nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối, đề phòng muỗi đốt. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.