Dân Việt

Sợ con bị bạo hành, thôi thì cậy nhờ... osin

Tùng Anh 20/12/2013 09:19 GMT+7
Quá sợ hãi trước những hành vi bạo hành của các bảo mẫu trường tư, nhiều phụ huynh đang loay hoay tìm trường cho con bỗng quay lại trung thành với những... người giúp việc khó tính.

Diễn đàn: Làm gì để bảo vệ trẻ khỏi bị bạo hành?

Từ các vụ bảo mẫu bạo hành trẻ dã man, chấn động dư luận, những ông bố, bà mẹ thông thái hãy cùng bàn các giải pháp để bảo vệ con trẻ được an toàn. Mọi ý kiến hiến kế của độc giả xin gửi về địa chỉ hòm thư baodanviet@gmail.com.

Kiên quyết không cho con đi học trước 3 tuổi

Đó là giải pháp của mẹ Nguyễn Phương Dung (Mễ Trì – Hà Nội) trước thông tin trẻ bị bạo hành. Chị Dung cho biết: Con gái chị đã 15 tháng tuổi, từ khi bắt đầu phải đi làm (tháng thứ 6) chị phải thuê người giúp việc với mức lương 2 triệu đồng/tháng chỉ để trông con, ngoài ra không phải làm bất kỳ một công việc nhà nào.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chị Dung đã phải thay đến 5 người giúp việc vì không ít lý do: “Với mức lương ấy, tôi chỉ yêu cầu giúp việc trông con, cho ăn và ngủ đến khi tôi đi làm về, ngoài ra việc nhà, cơm nước giặt giũ tôi vẫn phải làm hết. Nhưng người thì yêu sách đòi thế này thế nọ, người thì không biết cách chăm trẻ, có người còn dạy con tôi nói tục và không theo mẹ...”.

img


Đã rất nhiều lần đi tìm lớp học cho con để chấm dứt thời kỳ “căng thẳng” với osin nhưng chưa tìm được trường ưng ý.

Tuy nhiên, sau khi xem clip bạo hành trẻ trên mạng internet vừa qua, chị Dung đã kiên quyết bỏ ý định cho con đi học trước 3 tuổi.

“Thôi thì đành sống chung với “lũ” một vài năm nữa để con cứng cáp, biết nói mới cho đi học. Dù sao đến lúc đó con có bị đánh thì nó cũng biết về nhà kể với mẹ. Chứ cho con đi học mà cứ phải nơm nớp lo nhưng vậy thì... đứt dây thần kinh mất” – chị Dung nói.

Tương tự, chị Bùi Kim Hòa – Gia Lâm cũng phải “nghĩ lại” ý định cho bà giúp việc ương bướng nghỉ việc.

Clip phụ huynh rụng rời khi thấy con bị bảo mẫu đày đọa tàn nhẫn

Số là mấy lần chị Hòa phát hiện bà giúp việc có tính xấu buôn điện thoại bàn suốt ngày với con gái ở Kiên Giang. Có hôm còn “quên” không nấu cháo buổi trưa cho con gái chị ăn mà chỉ cho mút sữa rồi bắt đi ngủ.

“Chị đã định “làm ra ngô ra khoai” rồi cho bà ấy nghỉ việc, nhưng nghĩ lại giờ tìm được osin tốt rất khó, mà cho con đi học sớm lại không yên tâm nên “trời không chịu đất, đất phải chịu trời vậy”, chị Hòa thở dài.

Chiều qua, khi đi làm về chị Hòa phải ghé vào cửa hàng mua cho bà giúp việc một cái điện thoại đen trắng và sim mới, hứa với bà ý sẽ nạp thẻ mỗi tháng 50.000 đồng vào các đợt khuyến mại để bà gọi điện cho con, nhưng với yêu cầu phải chú tâm hơn vào việc chăm bé.

Cậy nhờ ông bà

Không có điều kiện như chị Dung, chị Hòa vợ chồng anh Trần Văn Khánh là công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) đã quyết định cho con 1 tuổi về quê cho ông bà nội chăm sóc. Anh Khánh cho biết: “Khi bé được 11 tháng, vợ bắt đầu đi làm chúng tôi cũng gửi cháu cho nhóm trẻ của bà Hương (50 tuổi) – ở Từ Liêm. Nhóm trẻ này toàn con của công nhân, chừng 5 cháu. Nhiều lần đón con đi học về cũng thấy vợ kêu than là làm sao mắt lúc nào cũng đỏ hoe vì khóc lóc. Mới đây nghe được vụ bạo hành vợ chồng tôi cũng chột dạ”.

Anh Khánh cũng cho hay: “Hôm qua, ông bà nội gọi điện lên giục vợ chồng cho cháu về quê để ông bà trông vì xem ti vi thấy trẻ con ở trường tư bị bạo hành sợ quá. Vợ chồng tôi đã suy nghĩ cả đêm và quyết định cuối tuần này sẽ đưa con về cho ông bà. Nhớ con thì nhớ thật nhưng dù sao như thế an toàn hơn cho con. Đến 3 tuổi con cứng cáp sẽ tìm trường tử tế cho con”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục khuyến cáo rằng, việc giao trẻ cho ông bà hay giữ trẻ ở nhà đến quá 3 tuổi là không nên. Theo nghiên cứu của Viện Giáo dục kỹ năng: Trẻ dưới 5 tuổi đang ở thời kỳ phát triển mạnh nhất về cảm xúc, trí tuệ và ngôn ngữ. Giai đoạn này, trẻ rất cần có sự chăm sóc giáo dục của bố mẹ.

Ông bà đôi khí quá nuông chiều trẻ và phương pháp chăm sóc dậy dỗ đã lạc hậu không còn phù hợp. Mặt khác, từ khi 2 tuổi, trẻ có nhu cầu tiếp xúc nhiều hơn với xã hội, bạn bè cùng lứa tuổi. Đưa trẻ đến trường sẽ tạo cơ hội tốt để trẻ hòa nhập, tránh các biểu hiện dẫn đến tự kỷ, độc đoán, thiếu sự chia sẻ ở trẻ.