Nhiều mô hình trăm triệu
Ông Lê Hải Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết: “Là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nên ngay từ đầu, huyện xác định mục tiêu xây dựng NTM là gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Mọi triển khai phải tuân thủ nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích”.
Theo đó, trong những năm từ 2001 – 2010, huyện đã triển khai thành công chương trình chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp rõ rệt gồm: vùng chuyên canh lúa, vùng chuyên canh màu và vùng bãi bồi. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Huyện đã tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến cho ND, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thương mại nông sản, từng bước xây dựng thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường.
Mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ở huyện Khoái Châu. Ảnh: Đức Thịnh
Nhờ xác định rõ lộ trình, có chủ trương đúng đắn và triển khai quyết liệt, đến nay kinh tế nông nghiệp huyện Khoái Châu phát triển khá toàn diện, đồng đều cả về sản lượng và giá trị. Giá trị thu hoạch trên 1ha đất canh tác năm 2015 đạt 165 triệu đồng/ha. Trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô lớn như: Vùng chuối tiêu hồng ngoài bãi tại các xã Tứ Dân, Đại Tập... với diện tích gần 700 ha, vùng nhãn chín muộn tập trung tại các xã Đông Kết, Hàm Tử... với diện tích 1.000ha, vùng chuyên canh cây có múi cho giá trị trung bình 200 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, huyện còn có vùng trồng nghệ với diện tích 70ha, vùng trồng cây cỏ ngọt, cây dược liệu cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đưa nông sản xuất ngoại
Sau 5 năm xây dựng NTM, các xã trên địa bàn huyện Khoái Châu đã đạt trung bình 15,87 tiêu chí/xã, tăng 9,47 tiêu chí/xã so với khi bắt đầu thực hiện chương trình; có 6 xã đã và cơ bản đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 1.755 tỷ đồng vốn huy động cho xây dựng NTM thì người dân, doanh nghiệp đóng góp gần 800 tỷ đồng, chiếm trên 45%. |
Bên cạnh trồng trọt thì chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản của huyện cũng phát triển khá toàn diện với hàng nghìn trang trại, gia trại, trong đó có gần 200 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ NNPTNT. Đặc biệt, huyện đã có 2 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu tập thể là “Gà Đông Tảo” và “Chuối tiêu hồng”.
Ông Nam cho biết: “Năm 2015, lần đầu tiên ND huyện Khoái Châu được đi học tập huấn về quy trình trồng và xuất khẩu nhãn vào thị trường Mỹ, kết quả đã cung cấp 7 tạ quả tươi cho doanh nghiệp xuất sang Mỹ chào hàng. Sản phẩm chuối tiêu hồng Khoái Châu cũng đã xuất đi gần 20 nước...”.
Với sự tập trung đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và có hiệu quả của huyện, đời sống của đại bộ phận người dân đã được nâng cao rõ rệt. Năm 2011, thu nhập bình đầu người của huyện đạt 26 triệu đồng/người/năm thì nay đã tăng lên 45 triệu đồng/người/năm (gấp gần 2 lần), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,94%. Với những thành tựu đó, huyện Khoái Châu đã đề ra mục tiêu sẽ có 70% số xã (18 xã) đạt chuẩn NTM vào năm 2020.