Cửa nhà vững chãi, hạ tầng đầy đủ
Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La (viết tắt là Dự án) được triển khai quyết liệt từ năm 2003, có phạm vi ảnh hưởng đến 248 bản của 31 xã thuộc 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Trong đó, tỉnh Sơn La có diện tích đất bị ngập nước tới 15.700ha, trong tổng diện tích bị ngập nước 23.333ha của 3 tỉnh cộng lại.
Vùng trồng cà phê của người dân tái định cư được đầu tư công nghệ tưới nước ẩm nhập ngoại, giúp bà con nâng cao chất lượng, năng suất hàng hóa và thu nhập. Ảnh: Kiều Thiện
Sơn La cũng phải di chuyển 58.337 nhân khẩu ở 169 bản của 17 xã thuộc 3 huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La đến tái định cư tại 70 khu, 276 điểm thuộc 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Số hộ dân phải di dời là 12.584 hộ trong tổng số 20.477 hộ của toàn Dự án trên 3 tỉnh liên quan.
Với sự chung tay góp sức của nhân dân cả nước trong việc thực hiện mục tiêu “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, đến ngày 15.4.2010, tỉnh Sơn La đã hoàn thành việc di chuyển toàn bộ số dân trong khu vực xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La cũng như vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, rút ngắn thời gian 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Để đảm bảo an sinh cho 12.584 hộ dân chuyển đến nơi ở mới và hàng chục ngàn hộ dân nơi tiếp nhận tái định cư thủy điện Sơn La, tỉnh đã cân đối, điều chỉnh và cấp 439,5ha đất ở; giao hơn 17.973ha đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư.
Việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với người dân trong diện tái định cư cũng được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, minh bạch, với hơn 5.661 tỷ đồng đã được chuyển giao cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai 2.173 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng tái định cư với tổng vốn hơn 8.885 tỷ đồng, giúp người dân đảm bảo các nhu cầu thiết yếu tại nơi ở mới.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Trưởng ban Quản lý Dự án tỉnh Sơn La cho biết: Trong cuộc đại di dân này, quyền lợi của người dân rất được coi trọng. Theo đó, bà con được quyền lựa chọn nơi chuyển đến cho phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng về các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa. Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các điểm chuyển đến đều được ưu tiên đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng. Nhà cửa của người dân khi di chuyển được hỗ trợ và tạo điều kiện để khi dựng nhà trên nơi ở mới đảm bảo an toàn, vững chãi và đủ rộng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Dự án cũng hỗ trợ để 100% số dân di chuyển có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các địa bàn đón dân cũng được hưởng lợi nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, xây mới.
Bên cạnh đó, những hỗ trợ về cây, con giống, kỹ thuật sản xuất, thiết chế văn hóa; tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; xây dựng mô hình dự án, đào tạo nghề… cũng được thực hiện khẩn trương và có hiệu quả.
Tính đến cuối năm 2015, bình quân thu nhập đầu người/tháng tại vùng tái định cư đạt 1,28 triệu đồng (trước khi di chuyển dân – năm 2005, con số này là 0,34 triệu đồng/người/tháng). Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng tái định cư hiện chỉ còn 18,13% so với 42,71% hộ nghèo trước khi chuyển dân năm 2005. Tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 75%, số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh là 99%; 100% số hộ đều có điện lưới quốc gia sử dụng; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường...
Bức tranh nông thôn mới ngày càng hiện rõ
99% hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La đã có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ảnh: Kiều Thiện
Khi thực hiện chính sách di dân tái định cư thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La đã xây dựng phương châm “Gắn tái định cư với xây dựng bản mới toàn diện”. “Những tiêu chí của bản mới toàn diện của tỉnh Sơn La được xây dựng vào những năm 2000, gồm hạ tầng đi trước một bước, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo, tăng số hộ khá, giàu; nói không với ma túy, thất học; xây dựng bản mới văn hóa…. Bây giờ đối chiếu lại với những tiêu chí xây dựng NTM vẫn rất phù hợp” – bà Tráng Thị Xuân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, bảo vậy.
Đến với những bản tái định cư thủy điện Sơn La, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những thành quả của chương trình xây dựng NTM và Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La mang lại. Ông Hoàng Văn No, dân bản Sơn Pha, xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu) tâm sự: “Dự án di dân đã giúp chúng tôi có thêm những điều kiện tốt để phát triển kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn so với nơi ở cũ. Bây giờ áp vào các tiêu chí xây dựng NTM, thấy rằng những bản tái định cư như chúng tôi đã đạt được khá nhiều mục tiêu như: Điện thắp sáng, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, thiết chế văn hóa, thu nhập, việc làm, đường giao thông…”.
Nói về xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai – nơi đã trở thành xã thứ 2 trong tổng số 3 xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của tỉnh Sơn La năm 2015, ông Lò Văn Thanh, dân bản Phiêng Nèn, thật thà bảo: “Xã này đón tới gần 2.000 hộ di dân tái định cư nên được Nhà nước đầu tư hỗ trợ rất nhiều cả về cơ sở hạ tầng cũng như phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa... Nhờ thế khi áp vào tiêu chí NTM, chúng tôi đã đạt chuẩn vào cuối năm 2015, vượt xa so với nhiều xã khác trong toàn tỉnh. Hiện thu nhập bình quân đầu người của chúng tôi đã đạt gần 20 triệu đồng/năm; toàn xã có hơn 24km đường giao thông xã và 48km đường trục chính trong các bản, xóm được bê tông hóa; 95% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% số hộ được sử dụng điện... Nhưng quan trọng là chúng tôi có nhiều điều kiện để xóa nghèo, làm giàu, với nhiều lựa chọn để làm kinh tế hộ như: Làm dịch vụ ăn uống, dịch vụ nông nghiệp, sửa chữa máy móc, gò hàn, làm ruộng, làm nương, chăn nuôi thủy sản… Nông thôn mới thì trước hết người dân phải ấm no, giàu có...”.