Món này làm cầu kỳ nhưng lại ngon, bắt mắt, độc đáo. Cua biển sau khi đã làm sạch để ráo nước. Có thể tách cua ra làm nhiều phần hoặc để nguyên con. Kế đến là làm nước lẩu chua ngọt cũng tương tự như cách chúng ta thường làm.
Nếu chưa có kinh nghiệm, hoặc tiết kiệm thời gian, nên tìm mua đồ gia vị nấu lẩu tại các siêu thị uy tín. Còn nếu tự tay mình chế biến nước lẩu cũng tốt thôi, an toàn sức khỏe, tin tưởng về các nguyên liệu do mình làm, nhưng hơi vất vả, đôi khi không vừa miệng.
Món lẩu cua biển sườn heo non.
Khi đã có nồi nước lẩu trên bếp, cần cho bắp non, măng tươi thái mỏng vào. Đặc biệt là sườn heo non và cua biển. Vị của sườn heo ngọt “đằm”, thịt cua ngọt gắt, hai vị hòa quyện vào nhau làm cho thịt, nước lẩu ngọt dịu rất thanh. Đó là chưa nói sự kết hợp của vị ngòn ngọt của bắp non, ngọt đắng của măng tươi, tạo nên 4 vị ngọt hòa quyện, khiến nồi lẩu tăng thêm hương vị hấp dẫn, chỉ ngửi thôi đã thấy thèm rồi.
Đun chín nồi lẩu, chúng ta mang bày ra bàn và bắt đầu nhờ đến bếp gas mini, hoặc bếp cồn để làm nóng lần 2 cho sôi lên, khói bay nghi ngút đánh thức khứu giác. Giờ chỉ việc cho rau vào nồi. Đĩa rau bắt mắt phải có đầy đủ bông so đũa, điên điển, rau đắng, rau muống, cải xanh…
Món lẩu cua biển có vị sườn heo non nên ăn với bún sẽ ngon hơn mì. Bởi khi dùng mì phải cho vào nổi lẩu trụng, vị của mì dễ “phá” hương vị của lẩu, kém ngon.