Mối tình nhiều trắc ẩn
Bài hát Bến Xuân là một trong những nhạc phẩm hay nhất trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao và của nền tân nhạc Việt Nam. Ra đời đã hơn 70 năm, cho đến hôm nay, ca khúc này vẫn không hề cũ mà vẫn vẹn nguyên chất lãng mạn, thơ mộng, mới mẻ qua giọng hát của nhiều thế hệ nghệ sĩ.
Họa sĩ Văn Thảo là người nắm giữ nhiều tài liệu nhất về nhạc sĩ Văn Cao.
Bến Xuân là cái tên đầu tiên được tác giả đặt cho nhạc phẩm. Sau này, vì những lý do khác nhau, ca khúc được thay đổi tên gọi, thêm lời. Nhiều người đều nghĩ đây là sáng tác chung của nhạc sĩ (NS) Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên, khẳng định mới nhất của họa sĩ Văn Thao, con trai cả nhạc sĩ Văn Cao, người nắm giữ nhiều tư liệu nhất về tác giả Quốc ca cho thấy, bài hát này hoàn toàn do NS Văn Cao sáng tác từ trước khi ông và NS Phạm Duy gặp nhau. Nhưng một điều thú vị là bài hát này đã chắp cánh cho một tình bạn nghệ sĩ, kết nối hai tâm hồn âm nhạc như một định mệnh, dù cuộc đời họ có những ngã rẽ khác nhau.
Họa sĩ Văn Thao nhớ lại, năm 1944, NS Phạm Duy theo gánh hát Đức Huy, một gánh hát cải lương đi từ trong Nam ra Bắc, Phạm Duy đi theo gánh hát Đức Huy đó với vai trò là người dựng phong cảnh. Ông có phong thái thư sinh, đẹp trai, áo sơ mi trắng và là người chịu trách nhiệm dựng cảnh giữa hai màn của buổi biểu diễn. Ông thường mang lại một hình ảnh đẹp trên sân khấu, không chỉ bởi cách dàn dựng nghệ thuật mà còn bởi vẻ bề ngoài thư sinh với cặp kính, vừa ngồi gảy đàn vừa đệm, vừa hát.
Gánh hát Đức Huy ra Hải Phòng, giọng hát tân nhạc của Phạm Duy ngay lập tức được chú ý. Thời điểm đó ông thể hiện bài Tàn Thu của Văn Cao rất hay. Bạn bè đi xem NS Phạm Duy biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hải Phòng và về báo lại với NS Văn Cao. Sau đó có thêm buổi diễn, NS Văn Cao đã cùng họ đi xem. Không hiểu ai đã nói với Phạm Duy điều đó mà kết thúc buổi biểu diễn đã thấy ông chủ động đến làm quen với NS Văn Cao. Hai người gặp nhau như một mối lương duyên nghệ sĩ.
Thích giọng hát của Phạm Duy nhưng lời đầu tiên Văn Cao khuyên ông là nên đi theo con đường sáng tác. Và tình bạn của họ bắt đầu từ đó. Sinh thời, NS Văn Cao từng nói, chất giọng của ông Phạm Duy hát dân ca rất hay, nhưng tân nhạc lúc đó đã có nhiều người hát và sáng tác. Vì thế, để có một con đường cho riêng mình, hãy phát triển dòng nhạc dân ca. Đây cũng là sở trường của chất giọng Phạm Duy.
Nhạc sĩ Văn Thao có nhiều nét giống với cha mình - nhạc sĩ Văn Cao
Từ khi bắt đầu tình bạn, rất nhiều bài hát do mình sáng tác, Văn Cao đã đưa cho Phạm Duy thể hiện như Suối mơ, Bến Xuân, Trương Chi, Thiên Thai... Phạm Duy đã đưa âm nhạc của Văn Cao đến mọi miền đất nước cũng trên gánh hát đó. Kể cả sau này Phạm Duy không đi theo kháng chiến nữa mà trở về trong kia và hát trên đài Giải phóng Sài Gòn, thì những nhạc phẩm của NS Văn Cao vẫn theo ông vang lên.
“Sau này, khi sáng tác, NS Phạm Duy có nhiều bài hát ảnh hưởng bởi phong cách sáng tác của NS Văn Cao. Nhiều người nhầm tưởng đó là sáng tác của cả hai người nhưng kỳ thực không phải”, họa sĩ Văn Thảo cho biết.
Bến Xuân là ca khúc được NS Văn Cao sáng tác tặng một thiếu nữ mà ông từng thầm yêu trộm nhớ. Một người đẹp Hải Phòng. Nhưng trớ trêu thay là hai người bạn thân của ông lúc đó là ca sĩ Kim Tiêu và nhạc sĩ Vũ Quý cũng cùng yêu cô gái.
Nói thêm về thiếu nữ này, họa sĩ Văn Thao tiết lộ, cô gái là con của một nhà thầu giàu có ở Hải Phòng, rất yêu âm nhạc và có giọng hát hay. Chính vì thế mà nàng dành nhiều tình cảm cho NS Văn Cao bởi cảm mến những ca khúc mà ông viết.
Bức tượng của nhạc sĩ Văn Cao được đặt trang trọng trong ngôi nhà
Nhưng trớ trêu thay cho cả NS Văn Cao và cả cô gái. Hai người bạn kia đều vô tư không hề biết điều này, họ nhờ NS Văn Cao sáng tác để dành tặng cô gái đẹp nhiều nhạc phẩm, bài thơ.
Không lâu sau, một trong hai người bạn của NS Văn Cao có ý muốn đặt vấn đề với gia đình cô gái để tiến tới hôn nhân. Người con gái, vì muốn biết tình cảm thực sự của NS Văn Cao đã trốn gia đình tìm đến nhà ông để mong có một lời giải đáp.
Lúc nàng đến, chàng nhạc sĩ trẻ tuổi vẫn còn đang quần đùi, áo may ô ngồi bơm nước. Thấy người đẹp thì lúng túng, xấu hổ, vội vàng đi lấy quần áo dài mặc. Nhưng cuộc gặp gỡ hôm đó cũng chỉ diễn ra trong im lặng. Cô gái chờ đợi một lời hẹn từ chàng nhạc sĩ nhưng đáp lại chỉ là ánh mắt của một gã si tình nhưng nhút nhát. Họa sĩ Văn Thao nhớ lại, lúc đó gia đình ông bà nội đang nghèo lắm, nhạc sĩ Văn Cao lại chưa có điều kiện kinh tế để lấy vợ, lại là một nơi chốn con nhà quý tộc, nên ông ... sợ.
Tình bạn đặc biệt giữa Văn Cao - Phạm Duy
Cuộc tình câm lặng, bao nhiêu cảm xúc được dồn nén, ông viết Bến Xuân, có câu “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến thăm một lần”. Bến Xuân tức là bến Bính vào mùa xuân. Sau này câu hát “em đến tôi một lần” được anh em tếu táo thay đổi là “Oanh đến thăm một lần”, Oanh là tên của người con gái đó. Bài Bến Xuân kỳ thực được Văn Cao sáng tác cho riêng một cuộc tình của mình. Sau này được đổi tên thành Đàn chim Việt, lại vì những lý do khác. NS Phạm Duy rất thích ca khúc này và ông đã mang nó đi biểu diễn trên sân khấu khắp cả nước. Ông cũng biết mối tình đó và đã thêm một số lời trong đoạn 2. Còn bản nguyên của bài hát được ra đời từ trước khi NS Văn Cao gặp NS Phạm Duy”, họa sĩ Văn Thao khẳng định.
Ngôi nhà nhiều hoa được dựng lên bên một bờ suối đẹp của họa sĩ Văn Thao. Ông ví von dí dỏm: “Đời ông Văn Cao có suối mơ còn đời ông Văn Thao có suối thực”.
Nói về NS Phạm Duy, họa sĩ Văn Thao không quên những kỉ niệm giữa ông và cha mình. “Sau này khi cả hai cùng lên Hà Nội, tình bạn càng trở nên khăng khít. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ (1946), NS Văn Cao nhận nhiệm vụ động viên và đưa các anh em văn nghệ sĩ rời Hà Nội, di tản lên Việt Bắc. Đến lượt gặp NS Phạm Duy, thì ông gạt tay đi. Biết tính NS Phạm Duy ngang ngạnh, NS Văn Cao chỉ dặn: “Nếu chiến tranh có xảy ra thì cậu đến Đài phát thanh, người ta sẽ sắp xếp công việc cho cậu”. Nhưng sau đó Phạm Duy cũng không ở lại đài được lâu. Ông quyết định lên Việt Bắc cùng anh em nghệ sĩ và chính thức đi theo cách mạng.
Thời điểm đó, Văn Cao nhận nhiệm vụ của chỉ huy cấp trên, mở một quán cà phê ca nhạc Biên Thùy ở tỉnh Lào Cai làm nơi gặp gỡ, giao lưu của rất nhiều nghệ sĩ. Chủ yếu là thu hút người đến xem và tìm hiểu, nắm bắt thông tin cho cách mạng. NS Phạm Duy cũng tham gia biểu diễn tại quán. Thời điểm này, những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy trở nên thăng hoa và đưa tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng nhất. Phạm Duy ảnh hưởng phong cách dân ca nhưng ông không bắt chước, mà khai thác một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo. Vì thế mà các ca khúc của ông rất thành công. Nếu hỏi rằng giai đoạn nào đã khẳng định tên tuổi của Phạm Duy được đứng lại với nền âm nhạc dân tộc thì chính là giai đoạn ông tham gia kháng chiến. Trong đó có công lớn của NS Văn Cao. Sau này Phạm Duy về nước, tôi có hỏi điều này với ông thì Phạm Duy đã xác nhận”, họa sĩ Văn Thảo kể lại.
Còn một câu chuyện nữa, khi được mời giảng dạy tại khoa Phương Đông của một trường ĐH ở Mỹ, trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Pham Duy đã nói: “Có được vinh dự dự ngày hôm nay, tôi phải cám ơn một người bạn, một người thầy, đấy là nhạc sĩ Văn Cao”.
Dĩ nhiên, tình bạn của hai người cũng có lúc có những vướng mắc với nhau. NS Phạm Duy là người phóng túng, yêu nhiều và điều này không hợp với NS Văn Cao. Giữa hai người từng có một cuộc cãi vã rất lớn khi NS Phạm Duy dính vào cuộc tình với một cô gái, người được phân công nhiệm vụ “an ninh, đặc tình” tại quán cà phê Biên Thùy. Đỉnh điểm của cuộc cãi vã là NS Phạm Duy đã bỏ quán và tham gia nhóm nghệ thuật của nhà thơ Hoàng Cầm. Theo họa sĩ Văn Thao, hình ảnh người con gái trong cuộc tình này chính là hình mẫu trong bài hát Bên cầu biên giới (Cầu Cốc Lếu, Lào Cai). Kỳ thực bài hát không phải được NS Phạm Duy viết tặng vợ Thái Hằng như sau này người ta vẫn nói.