Huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) địa bàn rộng lại có tuyến biên giới dài giáp với nước bạn Lào, có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với lượng khách qua lại đông, đó là những yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến công tác bầu cử. Tuy nhiên, thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã đã chú trọng công tác bầu cử.
Ông Nguyễn Sỹ Luận - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn - cho biết: Sơn Kim 1 là xã vùng biên giới, vì vậy triển khai công tác bầu cử phải phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt, xã đã tích cực chỉ đạo về tận 9 thôn tuyên truyền cho người dân hiểu về ngày bầu cử, quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri khi tham gia bầu cử, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, lồng ghép trong các cuộc họp thôn. Đến nay mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, cả xã có 6 tổ bầu cử với 3.833 cử tri đã sẵn sàng cho ngày hội lớn.
Xã biên giới Sơn Kim 1 đã sẵn sàng cho ngày bầu cử.
Cũng theo ông Luận, ở xã Sơn Kim 1 có sự khác biệt là có lượng lớn người dân đi buôn bán sang Lào. Vì vậy ngoài công tác tuyên tuyền, cán bộ thôn xóm nắm tình hình và vận động người dân buôn bán về nhà trước ngày bầu cử. Nhờ đó, đến nay đã có hơn 100 hộ gia đình thường xuyên sang Lào làm ăn đã về quê tham gia bầu cử. Trao đổi với PV, anh Lê Văn Hạnh (ở xã Sơn Kim 1) cho biết: “Gia đình tôi làm nghề buôn bán, hằng ngày đánh xe sang Lào chở hàng về Hương Sơn bán. Công việc cũng rất bận rộn, nhưng được cán bộ thôn xóm tuyên truyền, 2 ngày nay tôi ở nhà để thực hiện quyền công dân đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Hiện nay, tôi và 3 người trong gia đình đã nhận được thẻ cử tri và đang háo hức chờ ngày bỏ phiếu”.
Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử huyện Hương Sơn, đã tiếp nhận, chuẩn bị cơ sở vật chất và cấp phát đầy đủ hòm phiếu, con dấu bầu cử và các loại hồ sơ, tài liệu, vật dụng khác; phân công các đoàn, tổ công tác về tham gia hướng dẫn, chỉ đạo tại 198 khu vực bỏ phiếu cho 85.946 cử tri trên địa bàn toàn huyện.