Dân Việt

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Mang “mộng La Phù” về nơi xa vắng lắm …

Thanh Hằng 22/05/2016 08:49 GMT+7
Sau mấy chục năm không ăn Tết ở miền Bắc, năm ấy, Nguyễn Khắc Phục “xin phép” vợ ăn Tết ở Hà Nội một mình, vì vừa mổ mật lần thứ 3 nên sức khoẻ anh vẫn còn yếu.

Thấy vậy, nhà văn Văn Chinh rủ tôi đến chỗ anh, xem anh cần giúp gì. Với Văn Chinh, Nguyễn Khắc Phục như một người anh, một thần tượng mà dường như mọi vướng mắc gì cần hỏi, Văn Chinh đều nghĩ đến Nguyễn Khắc Phục. Thấy chúng tôi tới, Nguyễn Khắc Phục vui lắm, cứ tíu tít đón chào hệt như đang rất khỏe mạnh. Tính anh thế. Sống rất tình cảm với bạn bè. Có lẽ vì thế mà anh nhiều bạn và ai cũng sống với anh hết lòng.

img

Nguyễn Khắc Phục bên bức tranh do ông vẽ (ảnh: Thanh Hằng).

Cứ tưởng ốm đau thế sẽ cô đơn và không ai sắm tết cho, nào ngờ căn phòng của Nguyễn Khắc Phục đã gần như đầy đủ đồ Tết và liên tục những cú điện mời anh đi ăn Tết. Nhìn căn phòng đầy sách, từ “Đại Việt sử ký toàn thư” đến “Lịch sử cờ bạc”, những tấm bản đồ lịch sử vẽ tay phục vụ cho việc viết lách của anh, chưa kể lịch làm việc đã dày đặc: nào khai sàn vở mới, nào chuẩn bị  đón đứa con tinh thần chuẩn bị ra đời khi ấy: tập 1 Thăng Long Ký mang tựa đề Kinh đô rồng (tái bản), tập 2 “Một mất một còn” (in lần đầu) ra đời và tái bản tiểu thuyết “Khát vọng”...mới biết Nguyễn Khắc Phục chẳng có thì giờ một mình. 

Cũng đã lâu chúng tôi mới có dịp ngồi với anh, vậy mà anh cứ kể vanh vách chuyện từ thuở nảo thuở nào: Tiểu thuyết “Huyền đô” chưa in được nhưng anh đã in một bản bông cho em từ năm ấy rồi, rằng lần ấy anh đi Thái Nguyên nói chuyện với sinh viên ra sao, người bạn nói câu gì… Anh là người có trí nhớ rất tốt. Đọc cả mớ sách mà cứ kể ngọn ngành, rành mạch như  đang giở sách ra đọc!

Là nhà văn nổi tiếng “xê dịch” nên Nguyễn Khắc Phục tự nhận mình là “kẻ mộng La Phù” với cuộc sống lăn lóc qua những quán trọ đủ kiểu từ giá bình dân đến những khách sạn tiện nghi. Anh giải thích: Tôi đọc sách thấy bảo ngày xưa đạo sĩ Cát Hồng sang ta, chọn đất La Phù để luyện đơn sa (Giao chỉ đơn sa trọng) và tu đắc đạo thành tiên. Khoái quá, chỉ ao ước “đắc đạo” như Cát Hồng nhưng miếng cơm manh áo, nợ trần ai chưa trả hết, đành lẵng nhẵng ôm giấc mộng La Phù mà đi tha thẩn khắp các xó xỉnh, lần hồi mà sống… Vậy mới liều lấy bút danh La Phù cho những bài viết không đầu không đuôi, không thuộc thể loại nào rõ rệt, chẳng bán được cho ai!

Thừa biết Nguyễn Khắc Phục luôn tự giễu mình (phàm những người tự giễu mình là người rất tự tin), chứ trong trái tim anh, cuộc sống dân dã chứa chất hồn quê đất Việt lúc nào cũng rời rợi. Chả thế mà cái lần trở lại Thái Nguyên sau gần 30 năm xa cách, anh như mê đi với cảnh khói sương bảng lảng, những con sóng nhấp nhô và cùng hồ đầy gió của Núi Cốc thơ mộng với những con thuyền bé xíu chao trên sóng. Dường như bị những ấn tượng ấy hớp hồn, chỉ mấy tuần sau, đã thấy Nguyễn Khắc Phục trở lại.  

Anh rủ chúng tôi đi chợ, tự tay lựa những cái niêu đất, những cây rau tươi rói và cân gạo quê đích thực, rồi thuê một con thuyền nhỏ ra một hòn đảo đầy cây và rất sạch giữa hồ. Anh không giấu được cảm giác thích thú thuyền ra đến giữa thì anh gặp một thuyền đánh cá, anh liền ghé lại và mua được một mớ cá thiểu của đám dân chài còn bơi trong nước.

Rồi anh hào hứng nhóm lửa, tự tay lấy nước hồ nấu cơm và kho cá thiểu trong những cái niêu đất kê trên mấy viên đá làm ông đầu rau, giữa bạt ngàn gió và nắng. Bốn xung quanh nước hồ xanh ngăn ngắt, gió thổi như quạt hầu giữa trưa hè nắng vàng đổ mật và không gian đầy ắp tiếng cười. Bữa cơm đó tịnh không sơn hào hải vị mà sao như một đại tiệc nhớ đời! Khung cảnh dân dã, thi vị ấy đã phủ lên chuyến đi đặc biệt ấy của chúng tôi một dư vị khó quên.

Thấy chúng tôi vui đùa như những đứa trẻ, ăn uống ngon lành, Nguyễn Khắc Phục mỉm cười tràn đầy hạnh phúc, ánh mắt âu yếm như một người cha nhìn đàn con nhỏ và dịu dàng hỏi chúng tôi ăn có ngon miệng không. Gương mặt anh thư thái khi nghe câu trả lời “có” một cách hả hê của mọi người. Bao giờ cũng thế, mang lại niềm vui cho người khác luôn là điều Nguyễn Khắc Phục quan tâm!

Bây giờ, khi đã biết chuyến đi ấy đã trở thành duy nhất, mới hiểu vì sao Nguyễn Khắc Phục luôn nặng lòng với quê hương đến mức bất cứ ở đâu, bất cứ trong hoàn cảnh nào, một khung cảnh, một hương vị, thậm chí chỉ một chút ấn tượng thoáng qua gợi nhớ đến quê nhà cũng làm anh xao xuyến, bâng khuâng.

Trong công việc, Nguyễn Khắc Phục cũng là người lao động ít ai bằng. Mỗi năm, anh cho ra đời hàng loạt kịch bản phim hay tiểu thuyết và đều gây tiếng vang trong dư luận: “Những nẻo đường phù sa”, “Những đứa con thành phố”, “Bức tường lửa” v.v.  Đến nay, anh đã là tác giả của gần 300 tập phim, hàng chục cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn. Anh viết, miệt mài, cứ như thể ngày mai đã là ngày tận thế. Đến nỗi nhà thơ Trần Ninh Hồ đã tặng Nguyễn Khắc Phục câu thơ: “Không viết, chết, viết như điên cũng chết!” Nhiều người không hiểu Nguyễn Khắc Phục làm việc vào lúc nào, nghĩ lúc nào để mà “đẻ” liên tục những đứa con tinh thần đến vậy. Giờ đây, Nguyễn Khắc Phục đã mang cái “mộng La Phù” về một nơi xa vắng lắm …

Sau gần 1 năm chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, nhà văn đa tài Nguyễn Khắc Phục đã giã biệt văn đàn vào 3h35 ngày 20-5 tại Bệnh viện quân y 103 (Hà Nội).

Nguyễn Khắc Phục, sinh năm 1947, tại Sài Gòn, quê gốc ở làng Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Anh là một cây bút đa tài, tung hoành trên nhiều lĩnh vực, từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến kịch bản sân khấu, kịch bản phim và đã có gần 20 cuốn tiểu thuyết, hàng chục kịch bản phim, kịch bản sân khấu, kịch bản lễ hội vv…

Anh nổi tiếng với nhiều sáng tác: kịch bản phim nhựa “Chiến trường chia nửa vầng trăng”, “Sơn ca trong thành phố”, “Tự thú trước bình minh” vv… hay bộ tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu”, “Đầu sóng”, “Thành phố đứng trước biển” và “Thăng Long ký” vv... Những năm tháng cuối đời, Nguyễn Khắc Phụ còn say mê hội họa và vẽ khá nhiều tranh.