Nửa đời người và công việc cắt hình bóng
Nghệ nhân Văn Thế có một gian hàng nhỏ giữa những quầy hàng lưu niệm trong Thảo Cầm Viên. Đó là một cái bàn với những tấm giấy trắng được vẽ chữ thư pháp và hoạ tiết sẵn, một cái biển dựng bên trên để giới thiệu gian hàng với những hình cắt mẫu được sơn trực tiếp.
Nghệ nhân Văn Thế đã bắt đầu làm ở Thảo Cầm Viên từ năm 1986. Đã nhiều năm qua, ông vẫn duy trì ổn định lịch làm việc của mình: Cứ mỗi thứ 7, Chủ nhật, ông lại có mặt tại Thảo Cầm Viên từ lúc mở cửa và dọn hàng ra về khi ở đây đến giờ đóng cửa. Còn những ngày trong tuần, ông nhận lời mời làm tại các hội nghị, sinh nhật. Năm nay ông đã 50 tuổi rồi, vậy là công việc này đã gắn bó với ông hơn nửa đời người.
Nghệ nhân Văn Thế đang cắt hình bóng cho một cô gái. ảnh: Huỳnh Phương
Ông kể những làm việc cuối tuần tại đây đều có khách đến. Nếu vắng thì khoảng 10 khách, có những ngày đông thì lên đến hàng trăm người. “Nói chung công việc cũng không dư dả nhiều, nhưng tôi vẫn yêu, vẫn theo cái nghiệp của mình!” - ông Thế tâm sự.
Theo lời ông Thế, nghề cắt hình bóng chân dung nghệ thuật này xuất phát từ Pháp, lúc đó người ta chiếu bóng người bằng ánh đèn rồi cắt theo nó. Khi đến Việt Nam, các nghệ nhân có sự sáng tạo bằng cách cắt bằng dao lam, sau mới đổi sang cắt kéo. Nghề này giờ cũng không phổ biến ở Pháp nữa, mà là ở Nga...
Cái nghề của sự khéo léo
Cắt hình bóng chân dung nghệ thuật (hay còn gọi là cắt truyền thần) là mô phỏng lại hình dáng của con người sao cho chuẩn xác nhất bằng những nét cắt hết sức tỉ mỉ. Đây là một nghề cần sự khéo léo và sự linh hoạt trong đôi tay người thực hiện. Ông chia sẻ: Cắt truyền thần không khó, cái khó là qua những đường cắt của mình có thể hiện được thần thái của người ta hay không. Thành phẩm của cắt truyền thần so với vẽ hay khắc chỉ là một cái bóng đen, không khối, không màu, không ánh sáng. Vì vậy, một nghệ nhân cắt hình bóng thành công là khi người ngoài nhìn vào cái bóng có thể nhận ra đó là ai.
Một tác phẩm của nghệ nhân Văn Thế. ảnh: Huỳnh Phương
Bình quân thời gian cắt hình bóng nghệ thuật cho một khách là khoảng 1 phút. Nhưng ông cũng bảo thời gian còn tuỳ thuộc vào đối tượng cắt là ai. Nếu là cắt cho đàn ông thì thường không mất nhiều thời gian bằng cắt cho phụ nữ.
Dụng cụ đi theo một người cắt hình bóng nghệ thuật rất đơn giản. Chỉ cần cây kéo, tập giấy 2 màu trắng và đen xếp chồng là đủ. Có thể thêm hồ dán và khung trang trí để làm bức hình thêm sống động. Dưới mỗi bức hình, ông đều ghi tên của khách ghi, ngày tháng cắt ảnh và đóng mộc tên mình.
Chỉ bằng những nét cắt thoăn thoắt, ông đã tạo thành một bức hình rất có hồn, sau đó dán so le 2 lớp giấy trắng và đen lên khung tranh sẵn, rồi lột lớp màu trắng ra, thế là hoàn thành. Mỗi lần như vậy, thù lao của ông là 20.000 đồng.
Nghệ nhân Văn Thế đã lập trang facebook “Cắt hình bóng” để chia sẻ những hiểu biết về nghề và giới thiệu về lớp dạy. Ông cảm thấy rất vui khi “Cắt hình bóng” được nhiều người bạn trẻ chú ý và theo dõi. |
Giữa lúc tôi và ông đang trò chuyện, một phụ nữ bước vào và đề nghị ông thực hiện một bức hình cho mình. Ngay lập tức, ông kéo ghế cho cô ngồi và lấy dụng cụ ra. Mọi người nhìn những đường cắt của ông mà không khỏi bất ngờ, ông lia kéo liên tục, cổ tay linh hoạt di chuyển theo từng đường nét của gương mặt cô gái. Sau chưa đầy một phút, ông đã cắt xong, rồi dán hình vào trong lớp khung bằng giấy A4 được trang trí sẵn và lột nhanh lớp giấy trắng, thế là xong. Mọi người xung quanh đều nhìn vào tấm hình và người phụ nữ ấy và tất cả đều trầm trồ, xuýt xoa vì sự tài tình của ông.
Hành trình đến với nghề
Tâm sự với tôi về việc đi học của mình, ông hồi tưởng lại: Vốn là một người mê vẽ, nên ông dự định sau này mình sẽ làm hoạ sĩ. Nhưng tình cờ, một người bạn giới thiệu về người thầy dạy cắt truyền thần tại Sài Gòn, thế là ông Thế tìm đến tầm sư học đạo. Học cách cắt hình bóng một người thì không lâu lắm, nhưng phải cắt vừa nhanh vừa thể hiện phong thái của con người thì làm ông tốn rất nhiều thời gian học hỏi và luyện tập. Ông cười bảo, hồi đó ông tốn mỗi ngày cả ký giấy chỉ để cắt và cắt.
Học được 3 tháng, ông đã có thể cắt truyền thần, nhưng những bức ảnh đầu tiên ngốn của ông cũng đến 2 - 3 phút, có khi lâu hơn. Ông bảo, mỗi ngày, ông ngồi thực hành với người thân, bạn bè, và mỗi người bạn của ông có được cả trăm tấm hình với nhiều góc cắt khác nhau. Hiện nay ông Thế sống tại một căn nhà trong con hẻm đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh. Nghệ nhân chia sẻ, ông có nhận dạy một số học trò có nhu cầu học hỏi. Tuy nhiên, người học nhiều vì thấy tò mò hay thích thú với nghề cắt hình bóng, nhưng để theo với nghề thì chỉ có một số ít mà thôi./.