Vượt lên mặc cảm
Buôn Phơng có 100% số hộ là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Sự nghèo khó ấy một phần do bà con không biết chữ nên không nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Cũng vì thiếu cái chữ mà bà con còn gặp rất nhiều khó khăn khác trong sinh hoạt hàng ngày. Những rào cản đó đã thôi thúc chị H’Hồng mở lớp để xóa mù chữ cho bà con.
Lớp học ở buôn Phơng do chị H’Hồng Kđoh mở luôn thu hút đông đảo chị em tham gia. ảnh:D.H
Cứ đều đặn các tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, lớp học xóa mù chữ của chị H’Hồng lại sáng đèn. Nếu những ngày đầu, ở lớp học chỉ lác đác chưa đến 10 người tham gia, thì sau một thời gian đã lên đến gần 30 người. Không chỉ những người trẻ tuổi mà một số chị em “U50” cũng rất hào hứng tham gia lớp học.
Chị H’Nghiêm Niê (48 tuổi) tủm tỉm kể với chúng tôi: “Ban đầu đi học ngại lắm nhưng giờ không đi thì thấy nhớ cái chữ, nhớ chị em vô cùng. Mỗi khi đến cuối tuần, chị em trong buôn ai nấy đều tranh thủ đi làm về sớm, lo xong việc gia đình để đến lớp. Không chỉ được học cái chữ, chị em trong buôn còn được giao lưu, chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống, thấy thú vị lắm”.
Đổi thay nhờ con chữ…
Sau hơn 2 năm kiên trì, cuối cùng hầu hết chị em từng mù chữ ở buôn Phơng đều biết đọc, biết viết. Họ đã có thể tự viết tên mình mỗi lần làm việc với chính quyền; họ đã bắt đầu tự tin tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về các mô hình phát triển kinh tế; nhiều người đã có thể đọc hiểu được các tài liệu khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Chưa nói đến những thay đổi trong đời sống kinh tế, những thay đổi về nhận thức của bà con, nhất là chị em phụ nữ đã là một điều rất lớn lao ở buôn Phơng.
"Nhờ được học chữ mà đồng bào dân tộc, nhất là chị em phụ nữ ở buôn Phơng đã tự tin, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Cũng nhờ biết chữ, chị em đã dễ dàng tiếp cận được các thông tin về khoa học kỹ thuật, công tác tuyên truyền các phong trào cũng thuận tiện hơn...”. Chị Nguyễn Thị Bình |
Không chỉ dạy chữ cho bà con, những năm qua, trên cương vị là Chi hội trưởng phụ nữ buôn, chị H’Hồng còn phát động nhiều phong trào khác đem lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình là tham gia thành lập 2 tổ tín dụng tiết kiệm với 97 chị em, góp được số tiền 48 triệu đồng dùng để giúp cho chị em có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi; hay những mô hình như “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất”... tiết kiệm được hàng trăm kg gạo và hàng chục triệu đồng giúp đỡ cho những chị em phụ nữ trong buôn có hoàn cảnh khó khăn...
Chị Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Dliê M’nông nhận xét: “H’Hồng là một cán bộ hội rất năng nổ, nhiệt huyết trong mọi công tác. Các phong trào của Hội Phụ nữ đều được H’Hồng triển khai thực hiện rất tốt, đem lại nhiều đổi thay cho chị em trong buôn. Đặc biệt, lớp học xóa mù ở buôn Phơng do chị H’Hồng mở mang một ý nghĩa nhân văn rất lớn”.