Huyện Yên Minh, Hà Giang thường xuyên chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, do đó, khi mùa mưa bão đang đến gần, huyện đã chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và phương tiện tại chỗ) để chủ động đối phó với mọi tình huống.
Với đặc thù địa hình đồi núi, độ dốc lớn và nhiều hệ thống khe suối, cộng với lượng mưa trung bình năm tương đối cao... những năm trước, xã Du Tiến (Yên Minh) hứng chịu không ít các trận mưa lớn và sạt lở đất xảy ra trong mùa mưa. Anh Cứ Mí Thề ở thôn Phìn Tỷ B vẫn còn nhớ như in trận lũ quét lịch sử xảy ra cuối năm 2004 đã gây ra quá nhiều mất mát, đau thương và thiệt hại cho người dân trong xã.
Đặc biệt trong những năm gần đây, mưa lớn và gió lốc cũng làm tốc mái nhà của nhiều hộ dân trong thôn. “Biết rõ thời tiết ngày càng khắc nghiệt và khó dự đoán, nên năm nay tôi chủ động lấy cây, gỗ để chằng nẹp lại mái nhà, có như thế mới yên tâm” – anh Thề nói.
Người dân xã Du Tiến, huyện Yên Minh (Hà Giang) chủ động chằng nẹp mái nhà trước mùa mưa bão. Ảnh: S.N
Ông Nguyễn Hữu Kỳ - Chủ tịch UBND xã Du Tiến cho biết: “Mấy năm gần đây, nhờ chủ động phòng chống thiên tai nên thiệt hại do bão lũ, gió lốc đã giảm đi rất nhiều. Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tới tất cả các thôn bản trên địa bàn xã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động mọi tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay. Theo phương châm “4 tại chỗ”, xã huy động sự vào cuộc của tất cả cơ quan, đoàn thể và nhân dân. Trước mắt, khi mưa bão chưa tới, chúng tôi tận dụng cây, cọc để chằng néo mái nhà, khơi thông cống rãnh xung quanh nhà, đảm bảo khi có mưa lớn, gió lốc sẽ hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Người dân trên địa bàn xã cũng đã nâng cao ý thức và chủ động nhiều biện pháp phòng tránh thiên tai có thể xảy ra”.
Cuối tháng 4 vừa qua, xã Mậu Long là một trong những xã bị thiệt hại lớn do mưa đá, gió lốc với giá trị thiệt hại lên tới 750 triệu đồng. Ông Vàng Khái Sèng – Bí thư Đảng uỷ xã Mậu Long cho biết: “Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ nhanh chóng khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Đồng thời xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân trên địa bàn chằng nẹp mái nhà, chủ động ứng phó với thiên tai có thể xảy ra”.