Theo đó, hết năm 2012, cả nước có 1.193 doanh nghiệp nông thôn (DNNT) đã phá sản, dừng hoạt động; số DNNT thuộc diện khó khăn cũng tăng trên 26% trong năm qua...
Thiếu vốn, ít ưu đãi
Bộ KHĐT thừa nhận, dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn hiện nay quá thấp. DNNT cũng chưa nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Không chỉ dòng vốn FDI thu hút vào nông thôn hạn chế mà ngay cả các DN trong nước cũng đầu tư rất thấp vào khu vực này, khiến cho lượng DN khó khăn, phá sản tăng mạnh.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Chương Mỹ, Hà Nội gặp khó khăn. |
Ông Trần Thiện Hải- Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết năm qua đã chứng kiến sự xuống dốc của nhiều DN thủy sản. Tình hình nợ của DN thủy sản báo động đỏ vì thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng cao… khiến DN không có khả năng trả nợ và hoạt động kinh doanh. Trong số các DNNT giải thể thì các DN thủy sản chiếm tỷ lệ khá lớn.
Còn bà Lê Thị Hạt - Giám đốc Công ty Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Minh Hiếu cho biết, do lãi suất ngân hàng quá cao, đối tác nhập khẩu ở nước ngoài khắt khe nên có nhiều lô hàng của DN bị trả về khiến DN mất khả năng chi trả. Công ty này cũng phải ngưng hoạt động vì không trả được nợ.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, năm 2013, nhiều DNNT có thể dừng hoạt động do tác động khó khăn của nền kinh tế. Sản xuất của DNNT vấn đang trì trệ, sụt giảm. Nhiều DN xuất khẩu nông sản, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ... không kiểm soát được chi phí, mất thị trường và không đủ vốn để duy trì sản xuất. TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng, nếu không được hỗ trợ kịp thời, nhiều DN sẽ phá sản, giải thể do không còn khả năng bám trụ trong khó khăn kinh tế.
Sẽ hỗ trợ toàn diện
Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết, Bộ vừa trình Chính phủ 2 phương án tháo gỡ khó khăn cho các DNNT. Theo đó, sẽ sớm hoàn thiện sửa đổi Nghị định 61 khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng Vinh khẳng định: Tới đây sẽ có những điều khoản hỗ trợ mạnh cho DNNT, từ tín dụng, lãi suất, đến các hình thức hỗ trợ khác..., ví dụ như sản xuất ở các vùng nông thôn khó khăn hay các DN chế biến nông sản đều sẽ nhận được hỗ trợ cụ thể bằng vốn vay.
"Chúng tôi đang cố gắng tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn cho khu vực nông thôn để giảm thiểu khó khăn, giảm số DNNT phá sản" - Bộ trưởng Vinh nhận định.
Không chỉ hỗ trợ cho DN trong nước, năm 2013, khu vực DN FDI cũng sẽ được khuyến khích mạnh hơn khi đổ vốn vào nông thôn. "Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nông nghiệp đã trở thành trụ cột. Thời gian tới, Chính phủ sẽ ưu tiên một cách đồng bộ từ đầu tư, vốn, hỗ trợ lãi suất cho khu vực nông thôn..., không chỉ trong phạm vi Nghị định 61" - ông Vinh cho biết.
Mai Hương