Dân Việt

Những quy định “phát xít” của Van Gaal tại M.U

Đ.H 24/05/2016 07:00 GMT+7
Louis van Gaal đã phải rời Old Trafford. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhà cầm quân người Hà Lan bị sa thải, trong đó có phong cách điều hành “phát xít”, biến Carrington như một trại lính.

Từ lúc Van Gaal đặt chân tới Old Trafford, ông tự cô lập mình, khiến không khí “Nhà hát” trở nên căng thẳng bằng những quyết định bị đặt dấu hỏi liên quan đến tập luyện, sự chuẩn bị và làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của các cầu thủ.

img

Van Gaal đã áp dụng những "kỷ luật thép" ở M.U.

Sự khó chịu ban đầu chỉ xuất hiện lẻ tẻ, nhưng lan rộng hơn theo thời gian. Và khi những chiến thắng đến ngày một ít vào thời điểm cuối của triều đại Van Gaal, mất mát đối với cựu HLV ĐT Hà Lan không chỉ là điểm số mà còn là quyền lực.

Bài hồi phục vô lý

Vấn đề gây tranh cãi đối với đội một M.U là việc Van Gaal yêu cầu cái gọi là buổi hồi phục sau mỗi trận đấu. Gọi là buổi hồi phục nhưng những gì các cầu thủ phải thực hiện chỉ đơn giản là chạy nhẹ quanh sân tập.

Chỉ một lần trong suốt thời gian làm việc tại Old Trafford, sau thất bại trên sân nhà trước Southampton hồi tháng Giêng, Van Gaal không bắt cầu thủ phải hồi phục sau trận.

Ví dụ cụ thể cho bài hồi phục bị coi là vô lý của Van Gaal là ở chuyến làm khách trên sân CSKA Moscow (10.2015) tại Champions League. Mặc dù chỉ trở lại Anh vào khoảng 4 giờ chiều ngày thứ Năm, Van Gaal chỉ cho các cầu thủ 1 giờ đồng hồ tại nhà và yêu cầu có mặt tại Carrington để hồi phục.

Sau 2 ngày xa gia đình, rất nhiều cầu thủ có lẽ thấy thất vọng. Đáng nói hơn nữa, trận derby Manchester sẽ diễn ra vài ngày sau đó.

Kỷ luật thép không thay đổi

Khuynh hướng quản lý theo kiểu nhà binh của Van Gaal không chỉ ở những buổi hồi phục. Tháng 9 năm ngoái, ông thừa nhận thông tin Wayne Rooney và Micheal Carrick đã tới gặp mình và bày tỏ mối lo về việc không khí trong phòng thay đồ đang căng thẳng bởi cách đào tạo cứng nhắc.

“Rooney và Carrick, những đội trưởng, đã tới gặp tôi và nói phòng thay đồ đang có không khí bải hoải và họ nói lại với tôi vì muốn giúp tôi”, Van Gaal nói trong một cuộc họp báo.

“Tôi đã chú ý tới điều đó và tôi không nói với những đội trưởng của tôi vì thực tế họ đang cố cảnh cáo tôi, do vậy tôi tới phòng thay đồ và nói chuyện với các cầu thủ”.

Nhưng những nỗ lực hàn gắn vết nứt của Van Gaal không thành công. Việc ông không thay đổi phong cách quản lý, huấn luyện cứng nhắc khiến tâm lý bất mãn lớn dần trong các cầu thủ. Họ trước đây vốn quen được trao quyền tự do thể hiện mình, thay vì trở thành những robot được lập trình.

Van Gaal muốn cầu thủ phải thực hiện nhiệm vụ cụ thể ở các vị trí được giao chứ không được phép chơi theo bản năng tự nhiên hướng lên khung thành đối phương. Tệ hơn nữa, sau trận đấu họ phải quay lại tiếp tục thực hiện các bài hồi phục nhàm chán, lặp đi lặp lại.

Ăn cùng nhau

Ý tưởng chỉ những thành viên BHL mới ăn cùng các cầu thủ, những bộ phận khác ăn ở khu riêng khá xa lạ tại Old Trafford. Bên cạnh đó, quy định xếp hàng lấy thức ăn như ở trường học trẻ em và sau đó chờ Van Gaal ngồi mới bắt đầu được dùng bữa khiến tất cả cảm thấy đấy chỉ là sự thèm khát quyền lực của ông thày.

Các quy định ăn uống được nới lỏng vào đầu năm, khi các cầu thủ tới căng-tin theo từng nhóm nhỏ trong khoảng thời gian khác nhau, nhưng nó không giúp sự bất mãn trong các cầu thủ mất đi. Những chi tiết dù nhỏ song quá khô cứng và “phát xít” trong quản lý của Van Gaal khiến ông sớm bị tước cây quyền trượng tại Old Trafford.