Liên kết xuất khẩu thanh long
Hiện tổ hợp tác thanh long ruột đỏ có 25 thành viên, tổng diện tích canh tác gần 4ha với hơn 3.000 gốc thanh long, ngoài ra còn có thêm 9 thành viên ở ngoài địa phương đang kết hợp để tiêu thụ. Trong đó, ông Đinh Văn Son ở ấp Trường Khương A, xã Trường Xuân B là người đi đầu tại địa phương chuyển đất vườn kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời cũng là tổ trưởng của tổ hợp tác.
Ông Son bên vườn thanh long đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Chúc Ly
Năm 2012, với quyết tâm làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ, ông Son đã khăn gói qua tỉnh Đồng Tháp để tham quan, học tập kinh nghiệm và mạnh dạn đốn bỏ 1 công vườn vú sữa, mận An Phước đang cho trái để trồng 150 gốc thanh long ruột đỏ. Bước đầu, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều ND trong xã cũng làm theo, từ đó tổ hợp tác ra đời.
"Mặt hàng thanh long có tiềm năng phát triển, tuy nhiên Hội ND thành phố không khuyến khích tăng thêm diện tích ở thời điểm hiện tại. Thay vào đó, chúng ta cần tìm hiểu kỹ thị trường, ổn định tình hình sản xuất cũng như duy trì chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế”. Bà Lê Thị Hoa |
Để tạo điều kiện cho ND an tâm sản xuất, Hội ND TP.Cần Thơ cũng đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây thanh long; đồng thời phối hợp UBND huyện Thới Lai tổ chức đưa sản phẩm thanh long vào tiêu thụ trong siêu thị Co.op Mart. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ “cung vượt cầu”, đầu ra thiếu ổn định khiến cho sản lượng thanh long của tổ hợp tác bế tắc đầu ra.
Không bỏ cuộc, ông Son và các xã viên đã mạnh dạn thay đổi kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời phối hợp Hội ND thành phố tìm đầu ra ổn định cho cây thanh long theo hướng cung cấp hàng xuất khẩu. Đến đầu năm 2015, ông Son đã tìm được đầu mối tiêu thụ từ Công ty TNHH Thạch Võ (huyện Mang Thít, Vĩnh Long), theo đó công ty nhận bao tiêu toàn bộ sản lượng của tổ hợp tác với giá theo thị trường để xuất khẩu.
Hiệu quả kinh tế cao
Lứa thanh long đầu tiên áp dụng kỹ thuật mới, 95% sản lượng trái trong tổ hợp tác đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Những năm sau, sản lượng bình quân đạt khoảng 14 tấn trái/năm. Với giá bán trung bình khoảng 35.000 đồng/kg, ước tính lợi nhuận từ cây thanh long cao gấp 10 lần làm lúa.
Ông Đinh Văn Hồng, thành viên tổ hợp tác cho biết: “Để có trái thanh long đẹp, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi kỹ thuật cao, theo đó các thành viên trong tổ đều được anh Son hướng dẫn tận tình, vì thế các đợt hàng cung ứng cho công ty có mẫu mã đều, đẹp, chất lượng. Hiện các thành viên trong tổ đều áp dụng rất thuần thục kỹ thuật sản xuất theo hướng chất lượng cao”.
Bà Lê Thị Hoa – Phó Trưởng ban Kinh tế - xã hội (Hội ND) TP.Cần Thơ chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, Hội ND thành phố đã cùng với tổ tìm đầu mối tiêu thụ. Tiềm năng phát triển là có, tuy nhiên phía Hội không khuyến khích tăng thêm diện tích ở thời điểm hiện tại. Thay vào đó chúng ta cần tìm hiểu kỹ thị trường, ổn định tình hình sản xuất cũng như duy trì chất lượng sản phẩm để đáp ứng những thị trường khó tính”.