Dân Việt

Nợ đọng ở xã cũng đáng lo như nợ công quốc gia

Lương Kết 28/05/2016 06:30 GMT+7
Đó là thông tin đưa ra trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25.5, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát "Việc thực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp".

Nợ đọng lớn

Báo cáo giám sát do ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày  nêu rõ: Tính đến tháng 3.2016, cả nước có 1.761 xã đạt tiêu chí nông thôn mới -NTM (chiếm 19,7%). Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng NTM. Đó là ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp nhiều so với thực tế. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước. Theo báo cáo của Chính phủ, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố khoảng 8.600 tỷ đồng.

img

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang.  ảnh:  I.T

“Các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường. Vệ sinh môi trường nông thôn vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội, tiêu chí môi trường đạt thấp nhất”-ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, việc giám sát cần đánh giá cho thực chất hơn, những xã đã được công nhận nông thôn mới rồi thì sắp tới cần làm gì để phát triển. Còn không chỉ được một vài năm nơi đó lại đi tụt lùi, 
trở lại nông thôn cũ.

Cũng theo ông  Giàu, kết quả xây dựng NTM trên cả nước không đồng đều. Số xã đạt tiêu chí NTM ở vùng Đông Nam Bộ là 46,4%; đồng bằng sông Hồng là 42,8%; miền núi phía Bắc chỉ đạt khoảng 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt từ ngày 10.6.2013 triển khai đến các cấp quá chậm, thậm chí đến nay còn 9 địa phương chưa ban hành đề án, kế hoạch tái cơ cấu trên địa bàn.

Câu hỏi khó trả lời

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: “Vừa qua tôi đi tiếp xúc cử tri, bà con đặt vấn đề là chúng tôi ở vùng nông thôn, mọi thứ đã rất khó khăn rồi nhưng vẫn phải đóng góp xây dựng NTM Trong khi người dân thành thị, Nhà nước đầu tư đường sá, cầu cống, điện, nước đến tận từng ngõ, ngách họ không đóng góp một cái gì? Vậy công bằng ở đâu ra, người dân ở đô thị có phải đóng góp để xây dựng đô thị hay không? Cả nước chung tay xây dựng NTM, vậy trách nhiệm của những công dân ở khu vực đô thị có điều kiện thuận lợi hơn đối với quá trình xây dựng NTM như thế nào? Đây là những câu hỏi rất khó trả lời và chúng tôi trả lời với cử tri là sẽ trình Quốc hội nghiên cứu".

img

Góp ý vào báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn về vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương, trong khi không có khả năng trả nợ. "Lo nhất là địa phương lại chuyển đổi mục đích sử dụng, bán đất nông nghiệp trả nợ" - ông Phúc băn khoăn.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Cần chỉ đạo quyết liệt hơn nếu không nợ đọng xây dựng quá đà thì không kiểm soát được. Nợ đọng xây dựng ở xã cũng giống như nợ công của quốc gia, nếu xử lý không khéo sẽ phát sinh các vấn đề xã hội".

Để đánh giá vấn đề thực tế hơn, theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, báo cáo cần làm sâu thêm một số vấn đề. "Còn một số ý kiến cho rằng, có lúc, có nơi triển khai còn mang tính phong trào, chúng ta cần kiểm tra lại, chương trình đã thực sự nâng cao đời sống hay chưa hay vì bệnh thành tích. Vấn đề hiệu quả đầu tư, những kết quả đạt được đã tương xứng với nguồn lực nhà nước và nhân dân bỏ ra hay chưa. Các báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương đã chính xác chưa" - ông Dũng đề nghị./.