Tổng thống Obama bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung, sau cuộc họp song phương hôm qua (25.5) ở thành phố Shima, vùng Ise-Shima, tỉnh Mie. Ảnh: Reuters.
Vụ án cô gái trẻ 20 tuổi ở Okinawa mất tích cuối tháng 4 và sau đó bị đánh đập, cưỡng hiếp, rồi sát hại dã man đã thổi bùng lên sự giận dữ, phẫn nộ của người dân địa phương. Ngay sau đó, một nhà thầu quân sự Mỹ tại Okinawa đã bị bắt giữ vì liên quan đến vụ án.
Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ án nghiêm trọng liên quan đến quân đội Mỹ đóng tại Okinawa, bao gồm cưỡng hiếp, hành hung, tra tấn cũng như các tai nạn xe cộ chết người.
Những vụ bê bối liên quan đến quân đội Mỹ là nguyên nhân chính khiến người dân Okinawa rầm rộ biểu tình trong những năm qua nhằm gây áp lực buộc chính phủ phải di dời các căn cứ quân sự của Mỹ trên hòn đảo này.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 25.5, ông Obama nhấn mạnh: “Tôi muốn bày tỏ lời chia buồn chân thành và sự hối tiếc sâu sắc nhất. Mỹ sẽ hợp tác đầy đủ với các nhà điều tra và đảm bảo công lý sẽ được thực thi theo đúng luật pháp Nhật Bản. Chúng tôi coi những hành động như vậy là không thể tha thứ và chúng tôi cam kết sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để ngăn chặn tội ác tương tự tiếp diễn”.
Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bày tỏ sự phẫn nộ về vụ án.
“Tôi cảm thấy oán giận sâu sắc trước tội ác đáng khinh này”, ông Abe tuyên bố.
Trước đó, ông Abe đã cam kết với Thống đốc Okinawa Takeshi Onaga rằng, ông sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ hành động để trừng phạt những tội ác liên quan tới quân nhân Mỹ trên hòn đảo này. Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Okinawa từ lâu đã trở thành cái gai trong quan hệ song phương Mỹ-Nhật.
"Chúng ta sẽ không thể đạt tiến bộ trong việc sắp xếp lực lượng Mỹ tại Nhật nếu không cân nhắc đến cảm xúc của người dân Okinawa. Con đường phía trước đầy khó khăn và thử thách khi chúng ta cần tìm lại niềm tin, điều đã bị đánh mất sau vụ án gần đây”, ông Abe nhấn mạnh.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Nhật sóng bước trên cây cầu Ujibashi trước phiên họp đầu tiên của G7 hôm nay (26.5) ở thành phố Shima, vùng Ise-Shima, tỉnh Mie. Ảnh: Reuters.
Okinawa từng là nơi diễn ra trận chiến khốc liệt giữa quân Mỹ và Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, hiện nay, Okinawa đóng vai trò là tiền đồn quan trọng chiến lược đối với liên minh an ninh Mỹ-Nhật.
Okinawa hiện là nhà của 27.000 trong số 47.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản theo một hiệp ước an ninh kéo dài nhiều thập kỷ. Ngoài ra, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh G7 kết thúc vào ngày mai (27.5), Tổng thống Obam dự kiến tới thăm Hiroshima, nơi phải hứng chịu quả bom nguyên tử do quân đội Mỹ thả xuống ngày 6.8.1945 trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Hiroshima là thành phố đầu tiên trên thế giới bị ném bom nguyên tử và nỗi đau đó hiện vẫn hằn sâu nhức nhối trong lòng người Nhật.
Nếu chuyến thăm diễn ra suôn sẻ, ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Hiroshima và đây được được nhận định là một thông điệp hòa bình, giúp khép lại quá khứ đau thương và thù hận. Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, chuyến thăm này cho thấy cam kết của ông chủ Nhà Trắng trong việc tiếp tục thúc đẩy hòa bình và an ninh trong một thế giới phi vũ khí hạt nhân.
Phát biểu trước thềm chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh: “Một trong những mục tiêu của tôi đó là thừa nhận những mất mát mà người dân vô tội phải hứng chịu do chiến tranh. Đây không phải là điều chỉ xảy ra trong quá khứ, điều này vẫn đang xảy ra tại nhiều khu vực của thế giới. Mục tiêu của tôi cũng là muốn khẳng định rằng, chúng ta nên làm mọi thứ để có thể tăng cường đối thoại, hòa bình trên toàn thế giới. Chúng ta nên tiếp tục hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, trải qua quá khứ đau thương và hận thù, hiện Mỹ và Nhật Bản đang duy trì mối quan đối tác chặt chẽ nhất thế giới và hai nước cũng là những đồng minh gần gũi nhất của nhau. Ông Obama khẳng định, chuyến thăm thành phố Hiroshima của ông nhằm mục đích tái khẳng định quan hệ khăng khít giữa hai cựu thù trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Chia sẻ cảm nghĩ về tin Tổng thống Obama tới thăm Hiroshima, bà Chisako Takeoka, 88 tuổi, một người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử khẳng định, bà rất hoan nghênh chuyến thăm của người đứng đầu nước Mỹ.
“Chúng tôi rất hoan nghênh chuyến thăm của tổng thống Mỹ. Thực tế chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ kể từ sau chiến tranh đã nhắc nhở chúng tôi về hòa bình thực sự đã đến”, bà Chisako nói.