Mấy ngày qua, người dân ở huyện Đức Hòa, Long An bàn tán sôi nổi về chuyện một cụ bà 71 tuổi lên xe hoa với chú rể 57 tuổi và ra mắt hai họ bằng một tiệc cưới rình rang.
Cô dâu 71, chú rể 57?
Đến khu vực chợ Chiều, Đức Hòa Hạ trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán về đám cưới của người đàn bà lớn tuổi, không mấy xinh đẹp nhưng có duyên và đào hoa không ai bằng.
Hỏi đường đến nhà cô dâu có được hạnh phúc muộn màng chẳng mấy khó khăn khi chuyện của "nàng" nhà nào cũng tỏ. Chị Hồng, tiểu thương chợ Chiều, Đức Hòa Hạ hướng dẫn: "Mấy em cứ đến ngõ nhà bà Sáu bán tạp hóa, hỏi nhà Thúy "đen" (tên thường gọi cô Diễm Thúy) ai cũng biết hết á, mới làm đám cưới thiệt lớn ngày hôm qua. Bả chụp ảnh cưới ở tiệm Dáng Ngọc đằng kia kìa, treo cái ảnh đám cưới thiệt lớn trước cửa nhà luôn".
Hình cưới đẹp không thua các đám cưới trẻ. |
Ở cái vùng quê này, xưa nay có đôi tân lang nào ở tuổi ông bà mà làm đám cưới um xùm vậy đâu nên có người thì cười chia vui, mừng ông bà già có thể nương tựa nhau, trân quý tình yêu lúc ban chiều nhưng cũng nhiều kẻ cười nhếch mép chê bai "già còn ham hố"...
Ông, bà Văn Cưng và Diễm Thúy tiếp chúng tôi trong gian nhà nhỏ thoáng mát, sạch sẽ, không khỏi làm khách lạ ngạc nhiên khi biết chủ nhà chỉ có hai vợ chồng già vừa nên duyên ngày hôm trước. Chú rể Văn Cưng e dè tiếp chuyện: "Trời ơi, tụi tôi thương nhau, thấy hợp, cần nhau thì cưới xin về sống chung thôi chứ có gì mà phải lên báo. Đám cưới bình thường mà thiên hạ đồn um trời, nào là tụi tôi già rồi còn làm rình rang. Chúng tôi được chính quyền, mấy anh công an chúc mừng hẳn hoi, không vi phạm pháp luật gì cả".
Trái với vẻ e dè của chồng, cô Diễm Thúy cười vui, nhẹ nhàng tiếp chuyện: "Cô năm nay mới 53 tuổi, chú được 57 chứ có như thiên hạ đồn đâu, mặt cô vầy mà 71 tuổi chịu nổi không?", vừa nói cô vừa nhoẻn miệng cười, nụ cười duyên với hàm răng trắng đều tăm tắp: "Ổng cưới cô bằng chiếc nhẫn, sợi dây chuyền, đôi bông tai bằng vàng 18K và 5 triệu tiền cưới. Cô còn hạnh phúc hơn nhiều cô gái trẻ chưa chồng chưa con. Ổng thương yêu mình, cưới hỏi đàng hoàng chẳng có gì mà ngại với bà con lối xóm, chẳng dại gì mà không gật đầu đồng ý".
Ngày cưới của cô là 31.12.2012 có sự góp mặt của đầy đủ bạn bè, con cái, bà con trong gia quyến. Hai vợ chồng vén khéo đãi tiệc khoảng năm mâm, trước để ra mắt hai họ, sau cùng nhau uống ly rượu mừng cho họ gặp được hạnh phúc trong phần đời còn lại. Cô Diễm Thúy nắm tay chúng tôi đến bên khung ảnh cưới thật to, chỉ cho chúng tôi xem nụ cười rạng rỡ hạnh phúc của hai vợ chồng.
Cô khoe bộ ảnh chụp ở Studio Dáng Ngọc, từng hình ảnh được chăm chút tỉ mỉ từ bối cảnh cho đến dáng đứng điệu cười. Chú Cưng khoe thêm: "Từ trước đến giờ tôi có biết chụp ảnh cưới là sao đâu, lấy vợ trước kinh tế khó khăn, điều kiện không có nên cũng chưa biết đến máy chụp hình. Giờ thay đổi rồi, cưới phải chụp cho bả vui".
Hai vợ chồng nhìn nhau bẽn lẽn như bao cặp trai gái trẻ sau ngày thành hôn. "Ổng mới về ở chung với cô hồi hôm qua, đám tiệc xong mới vậy chứ trước giờ không khi nào bậy bạ đâu nha. Lúc chưa cưới, ổng ở nhà cô chơi đến 9h tối, cậu con trai đến chở về, ổng nhát không dám đi xe máy nên đi đâu làm gì cũng nhờ con chở. Từ nay, ổng đi đâu, cần gì thì đã có cô, cô còn chạy xe máy đi khắp nơi, người 71 tuổi làm gì còn sức mà chạy xe như cô", cô Thúy lại cười, quay sang chồng nhìn duyên.
"Tình trong như đã mặt ngoài còn e"
Cô Thúy kể, cô nghĩ mình sẽ phải sống những ngày còn lại trong cô đơn khi cậu con trai lên TP.HCM sinh sống và làm việc. Kể từ ngày chồng mất đến nay đã 2 năm, cô chưa một lần dám nghĩ sẽ bước thêm bước nữa dù duyên và sắc vẫn còn mặn mà lắm. Hàng ngày, cô đi bộ khắp xóm làm móng tay móng chân dạo cho mấy chị em trong khu chợ Chiều, cũng để có người trò chuyện tán gẫu đỡ buồn.
Từ đó, cô chơi thân với vài người bạn ở chợ, ra vô có nhau, lâu lâu gặp mặt ăn uống tâm sự. Cách đây hơn nửa tháng, cô bạn thân có mở lời với cô Thúy: "Tôi thấy bà ở một mình cũng buồn, tuổi cũng cao, rủi bệnh hoạn, chết chẳng ai hay biết. Hay tôi làm mai cho bà một ông hiền lành, chăm chỉ chịu khó làm ăn nha, có người bầu bạn cho đỡ buồn". Nghe vậy, cô Thúy cũng ậm ừ cho qua chuyện vì chẳng nghĩ sẽ có ai đó ưng mình.
Nào ngờ, mấy ngày sau, khi cô còn đang ăn đám cưới của một người thân trên thành phố, điện thoại réo rắt, bà bạn bắt cô về nhà gấp có người đến nhà... "coi mắt". Sau phút ngần ngại, bối rối cô "dũng cảm" cô chạy xe về nhà. Chẳng biết duyên số xui khiến thế nào mà giây phút đầu tiền cả hai "tình trong như đã mặt ngoài còn e".
Kể lại chuyện ngày đi xem mặt vợ, chú Cưng vẫn còn thoáng chút bối rối: "Khi tôi đến nhà cùng ông bà mai, bà đi đám chưa về. Tôi đứng bên ngoài quan sát, thấy nhà cửa tinh tươm, sân nhà cây trái nhiều mà không có cái lá, miếng rác bẩn, nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, trong bụng đã thầm ưng. Lúc bà về, nụ cười duyên, cách nói chuyện khéo léo, biết bông đùa làm người khác vui của bà ấy lại ghi thêm điểm. Tối đó, tôi về nằm gác tay lên trán suy nghĩ, rồi đi đến quyết định cưới bà ngay kẻo lỡ".
Nửa tháng qua lại tìm hiểu, cô Thúy muốn tìm hiểu chừng 6 tháng mới đi đến hôn nhân, còn chú Cưng nằng nặc cưới liền, đang lúc có tiền trang trải chuyện cưới xin. "Nói thiệt, ổng chẳng làm gì to tát, chỉ bán vé số kiếm sống, giỏi lắm, một ngày bán được 150 tờ, lấy tiền lời chơi hụi, đóng tiền nhà trọ, hai cha con nương tựa nhau mà sống. Ổng nói phải cưới tôi ngay vì sẵn tiền hốt hụi được mấy chục triệu, để lâu sinh ra nhiều chuyện chẳng còn tiền lo đám cưới cho nở mày nở mặt tôi", cô Thúy cười.
Chia tay vợ cũ đã hơn 12 năm mà chưa khi nào chú Cưng nghĩ đến việc lấy vợ khác, chú tiếc ngày trước, cha mẹ vợ quá phong kiến bắt chú về ở rể làm cho vợ chồng tan đàn xẻ nghé dù đã có với nhau hai mặt con. Từ đó, chồng nuôi một đứa con, vợ mang về quê một đứa, vợ đi thêm bước nữa, chú ở vậy 12 năm nuôi con lớn khôn. Bỏ lại những tháng ngày buồn nơi quê nghèo Đồng Tháp, chú cùng con trai khăn gói lên miệt Đức Hòa bán vé số nuôi thân.
Hàng xóm của cô chú ai cũng bàn tán: "Bà này không biết bao nhiêu đời chồng, cặp hết trai này đến trai khác, ăn ở không rảnh rang bày chuyện cưới xin để khoe thiên hạ". Người ta nói vậy cũng vì không biết hai cô chú cũng ngần ngại, đắn đo mãi mới đi đến quyết định góp "gạo thổi cơm chung". Hai ông bà mai cứ hối thúc, người thêm một câu, nói tốt vài lời nên cô chú tiến tới hôn nhân.
Như đã xác định từ đầu, đàn ông thôi, phụ nữ chết chồng, muốn về sống với nhau phải danh chính ngôn thuận nên cô chú quyết định tổ chức đám cưới. Ngày vui có cả người lớn trong gia đình đứng làm chủ hôn. "Cô chú còn mang ơn hai ông bà mai, làm mai mát tay nên đặng được vợ chồng", cô Thúy tựa đầu vào vai chồng cười hạnh phúc.
Sau đám cưới, vợ chồng cô Thúy dọn về sống chung tại căn nhà nhỏ ở ấp Bình Tiên 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa. Cô Thúy dự tính sẽ dành một căn phòng nhỏ cho cậu con trai chú Cưng để ra vào có con có cái cho trọn vẹn không khí của một gia đình. Người dân trong vùng cứ ra vô bàn tán, cô chú vẫn mặc kệ, tuổi tác không quan trọng, tổ chức tiệc lớn nhỏ cũng không sao, miễn sao sống với nhau hòa thuận, được con cái thuận tình, được chính quyền địa phương công nhận, hạnh phúc như thế kể ra cũng đủ trọn vẹn.
Nước ta trong vài năm trở lại đây, xuất hiện khá nhiều cặp đôi luống tuổi đấu tranh để được sống hạnh phúc bên nhau. Hôn nhân ở tuổi già thường gặp nhiều rào cản về sức khỏe và các mối quan hệ trong gia đình cũng như dị nghị của dư luận. Thế nhưng, sức mạnh tình yêu giúp cụ bà 91 tuổi ở Bến Tre đấu tranh để được đăng ký kết hôn, cụ ông 73 tuổi muốn tổ chức hôn lễ ở TP.HCM, và nay cô chú Diễm Thúy - Văn Cưng sống với nhau phần đời còn lại với sự chúc phúc của con cái, chính quyền địa phương và phần nhiều sự kỳ vọng của người dân địa phương.