Trả lời:
Ngày 26.4.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về việc Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở đó trước ngày 15.6.2013.
12 đối tượng thuộc diện hỗ trợ
Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26.4.2013 (sau đây gọi tắt là Quyết định 22) của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15.6.2013, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Trong điều kiện nhiều hộ thuộc diện đối tượng chính sách trong cả nước còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở thì đây là việc làm cụ thể, thiết thực, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết:
- Nhiều đối tượng chính sách, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhà ở đã xuống cấp nhưng không có khả năng để sửa chữa hoặc làm nhà mới. Quyết định 22 ra đời góp phần trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình chính sách xóa nhà tranh tre mái lá, chống dột, chống sập, ổn định cuộc sống và an sinh xã hội.
Điều 2 của Quyết định 22 ghi rõ 12 đối tượng được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa nhà ở hoặc xây mới, gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945; thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng LLVT nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng.
- Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng mà nhà ở bị hư hỏng, dột nát (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo chính sách khác trước đây, nhưng nay nhà đã hư hỏng, dột nát). Quyết định 22 hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công với cách mạng ở hai mức. Mức 1: Phải phá dỡ để xây mới nhà ở được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ với yêu cầu phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (cứng nền, khung-tường cứng và mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, có tuổi thọ từ 10 năm trở lên. Mức 2 hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, áp dụng cho trường hợp nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung-tường và thay mới mái nhà. Nguồn ngân sách bảo đảm thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng sửa chữa nhà ở, hoặc xây mới được lấy từ ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương.
Tại Điều 7 của Quyết định 22 ghi rõ thời gian và tiến độ thực hiện. Trong năm 2013, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện cơ bản xong việc hỗ trợ về nhà ở cho khoảng 71.000 hộ (theo danh sách các địa phương đã báo cáo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012). Trường hợp danh sách các tỉnh, thành phố báo cáo nhiều hơn 71.000 hộ thì thứ tự ưu tiên như sau: Hộ gia đình người có công mà nhà ở có nguy cơ sập dột, không an toàn khi sử dụng; hộ gia đình mà người có công cao tuổi; hộ gia đình người có công là người dân tộc thiểu số; hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn; hộ gia đình người có công thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lụt. Quy trình xét duyệt hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được tiến hành chặt chẽ từ thôn, xóm đến xã, huyện, tỉnh và Trung ương.