Ông đánh giá thế nào về trận mưa làm đảo lộn cuộc sống người dân Thủ đô vào ngày 25.5 vừa qua?
- Như trận lụt lịch sử năm 2008 không phải mùa mưa, có thể còn coi là bất ngờ, còn bây giờ mới bắt đầu mùa mưa đã bị như vậy, tôi cho là sự chuẩn bị kém hơn. Điều này cũng chứng tỏ việc chuẩn bị, đầu tư hệ thống thoát nước chưa tốt, hay xây dựng chưa kịp thời. Ở Hà Nội không phải cứ để mưa là ngập, người dân cảm thấy không an toàn, lo lắng, thiếu tự tin.
Đường phố ngập nước sau cơn mưa đêm 25.5.
Theo ông, tại sao việc ngập úng vừa qua chủ yếu xảy ra ở các khu vực được tập trung xây dựng, phát triển trong những năm gần đây?
- Trước hết, khi đã ngập thì chứng tỏ khả năng tiêu thoát do nước mưa đổ xuống, nước thải sinh hoạt đã vượt quá khả năng tiêu thoát. Chúng ta biết, tiêu thoát nước trong khu vực có hai vấn đề: một là thoát nước tại chỗ bằng khả năng tự thấm bề mặt, tạo độ dốc khu vực đổ về đường ống thoát nước. Thứ hai là khả năng tiêu thoát đường ống chính, do tính toán của con người, nghĩa là khi xây dựng khu vực dân cư, phải tính được lượng nước sinh hoạt hàng ngày là bao nhiêu, mưa ở mức độ như thế nào để có hệ thống thoát nước phù hợp.
Tôi nghĩ rằng sai lầm là do tầm nhìn, do cách giải quyết chưa tổng thể. Đó là quy hoạch mặt bằng, không gian đứng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa tốt. Quá trình thiết kế chưa đầu tư xứng đáng, triển khai xây dựng chưa đồng bộ. Có thể, người ta chỉ xây dựng ở khu của họ chứ chưa tính đến vấn đề kết nối hạ tầng kỹ thuật. Nước từ khu đô thị đổ vào đường ống khu đó rồi đi đâu nữa, họ chưa tính được. Mưa như vậy mà đã ngập cho thấy sự chuẩn bị đầu tư hệ thống thoát nước chưa tốt. Cái đó là nhân tai.
Nhưng khi xây dựng các khu đô thị mới, vấn đề hạ tầng kỹ thuật, trong đó có tiêu thoát nước thường đã được tính toán rất kỹ, phải không thưa ông?
- Theo quy định tỉ lệ diện tích xây dựng trên tổng diện tích mặt bằng là tỉ lệ thấp. Nhưng trong quá trình khai thác, chủ đầu tư thường tận dụng diện tích “đất vàng” để xây dựng vượt quá. Môi trường sống thân thiện không có bởi bị bê tông hóa quá nhiều, nước không có chỗ thoát đi đâu được. Việc sử dụng đất cũng chưa hợp lý, có cần bê tông hóa đến thế không, có cần bịt kín vỉa hè đến vậy không, có cần làm vỉa hè toàn gạch lát rộng như thế không? Cũng có thể, ở khu đô thị đó hệ thống được ống chưa hoàn thiện hay chưa được khơi thông, gây tắc nghẽn cục bộ. Nếu ở những khu vực cục bộ mà mưa tầm 50mm đã ngập chứng tổ đấy là khu vực trũng hoặc khả năng tiêu thoát là rất yếu.
Trong bối cảnh hệ thống thoát nước tổng thể vẫn chưa đảm bảo được năng lực tiêu thoát, theo ông nên có biện pháp gì để có thể hạn chế úng ngập?
- Theo tôi, các khu đô thị nên có khả năng “phòng thủ khu vực” nghĩa có khả năng tự thấm nước mạnh bằng cách xây các bể tự thấm. Đấy là việc nên làm, có lẽ cũng nên bắt buộc các nhà cao tầng phải làm bể chứa phía dưới. Hay như ở dưới các công viên, bãi cỏ cũng làm các bể chứa nước phục vụ tưới cây, cứu hỏa hay rửa đường. Bởi khi anh chưa kết nối được hệ thống tiêu thoát thì phải tính đến bể chứa, các hồ điều hòa. Chủ đầu tư hiện nay chỉ tính đến chuyện khai thác diện tích đất. Còn các cơ quan duyệt quy hoạch, có lẽ là làm chưa hết trách nhiệm.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng ngập úng khu vực Mễ Trì, ven đường vành đai 3 do tầm nhìn, quy hoạch chưa đồng bộ.
Ông đã nhắc đến phương án hồ điều hòa, nhưng thực tế hiện nay vẫn có những chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch không làm hồ điều hòa để xây dựng sân golf. Ông đánh giá sao về đề xuất này?
- Chủ đầu tư người ta thấy sân gofl hiệu quả hơn hồ điều hòa, bởi bây giờ đang hội chứng sân golf. Có thể là họ thiếu trách nhiệm, hay vô cảm hoặc không thấy được hậu quả của thiên tai.