"Sau hôm bị người dân khiếu kiện xô đẩy, hành hung tôi đã viết đơn xin nghỉ phép để lấy lại tinh thần. Nhưng đêm về nằm lại nghĩ mình xin nghỉ phép lúc này, cán bộ cấp dưới thấy hoang mang nên tôi lại tiếp tục đi làm" - ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban tiếp công dân TƯ chia sẻ với phóng viên sáng 27.5.
Liên tiếp nhiều vụ cán bộ tiếp dân bị đánh tại trụ sở
Chúng tôi bước vào phòng làm việc của ông Nguyễn Hồng Điệp cùng lúc ông nhận được cuộc điện thoại của Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Đức Hiền gọi hỏi thăm về chuyện bị đánh. Ông Điệp cho biết, hai ngày gần đây sau khi báo chí đăng tin ông bị những người dân đi khiếu kiện xô đẩy, hành hung tại sân Trụ sở tiếp công dân TƯ số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội, bạn bè, người thân, quen thậm chí cả những người đi khiếu kiện trước đây liên tục gọi điện hỏi thăm.
Với quãng thời gian gần 6 năm làm công tác tiếp công dân, ông Điệp cho hay, trước đây những người dân đi khiếu kiện họ bức xúc cũng chỉ la hét, chửi mắng, cùng lắm là dọa nạt nhưng gần đây họ tấn công cả cán bộ tiếp công dân. Ngoài trường hợp ông Điệp bị xô đẩy, hành hung vào sáng ngày 24.5 đầu năm 2016, cán bộ Trần Thị Thu Hiền trong lúc tiếp công dân bị một người phụ nữ quê Thanh Hóa đi khiếu kiện dùng dao đâm gây tổn hại 13% sức khỏe.
Cũng trong tháng 5.2016, cán bộ Ngô Sĩ Giang bị một người đàn ông khiếu kiện ở Nam Định lăng mạ và đánh ngay tại Trụ sở tiếp công dân. "Ông này còn mang cả chai xăng định xông vào phòng để đốt, nhờ lực lượng bảo vệ ngăn chặn kịp nên không xảy ra vấn đề gì" - ông Điệp kể.
Ông Nguyễn Hồng Điệp bị xô ngã vào gốc cây sáng 24.5
Cũng theo ông Điệp, nhiều cán bộ cấp dưới của ông đã làm hết trách nhiệm trong khi tiếp công dân nhưng vẫn bị người dân khiếu kiện đe dọa khiến cho họ bất an. "Ví dụ trường hợp chị Trần Thị Thu Hiền sau khi bị đâm trọng thương phải điều trị một cán bộ nữ khác vào giải quyết công việc thay. Chị này cũng bị người khiếu kiện dọa " rồi sẽ đến lượt" - ông Điệp cho biết.
Mong có lực lượng công an bảo vệ
Nói về sự vất vả, nguy hiểm của công việc ông Điệp thổ lộ thêm: Hàng ngày tại Trụ sở tiếp công dân thường xuyên có khoảng vài chục người đi khiếu nại tụ tập, do bức xúc họ chửi bới, la hét ầm ĩ. " Mặc dù người khiếu kiện cũng biết là chúng tôi không phải là người gây ra bức xúc nhưng họ vẫn nói gay gắt. Có nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đã giải quyết đúng cho người dân rồi nhưng họ thấy quyền lợi chưa được đảm bảo nên vẫn bức xúc.
Nếu chúng tôi nói việc của họ đã được giải quyết theo đúng các quy định pháp luật thì người dân lại nói chúng tôi bao che. Việc như vậy diễn ra hằng ngày khiến các cán bộ ở đây khá căng thẳng, đó là sự độc hại chúng tôi phải chịu đựng" - ông Điệp chia sẻ.
Sau khi bị xô ngã ông Điệp (áo trắng) đã gọi lực lượng Công an.
Ở Trụ sở tiếp công dân TƯ được bố trí 8 bảo vệ, theo ông Điệp đối với một cơ quan tiếp công dân số bảo vệ như vậy còn ít. Chính vì thế toàn bộ khu vực sân của Trụ sở để mặc cho người đi khiếu kiện "chiếm lĩnh". "Tất cả những băng rôn, khẩu hiệu của công dân bày ra chúng tôi không làm gì được. Có lúc thấy căng thẳng quá chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng của quận Hà Đông hỗ trợ. Nhưng khi không có bóng dáng của lực lượng chức năng mọi việc lại như cũ"- ông Điệp nói.
Ông Điệp cho hay, đã nhiều lần đề nghị đưa Trụ sở tiếp công dân TƯ vào mục tiêu bảo vệ, nghĩa là phải có lực lượng công an thường trực tại trụ sở trong giờ làm việc, tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.