Tin từ Bộ NNPTNT, Bộ đã hoàn thành dự thảo “siêu” nghị định quy định điều kiện kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Dự thảo đề cập việc chuyển các điều kiện kinh doanh (từ thông tư lên nghị định) không gây vướng cho doanh nghiệp nhưng yêu cầu chất lượng sản phẩm phải ở mức an toàn trở lên.
Bộ NNPTNT là đơn vị quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản... Theo Phụ lục 4 của Luật Đầu tư (mới), Bộ NNPTNT quản lý 35 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, Bộ NNPTNT đã hoàn tất việc rà soát toàn bộ các văn bản liên quan (69 văn bản). Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Kim Anh nhận định, khi rà soát các văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với lĩnh vực thuộc bộ quản lý, có những điều kiện kinh doanh quy định chung chung (như: Nhà xưởng phải phù hợp, trang bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu…) nhưng nếu không quy định cụ thể hơn nữa thì Bộ sẽ kiên quyết bãi bỏ.
Ngư dân xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành (Trà Vinh) chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến đánh bắt. ảnh: T.V
Bên cạnh đó, có những điều kiện đầu tư kinh doanh (như kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản thuộc danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện), đến thời điểm này không có quy định cụ thể hơn nên Bộ NNPTNT cũng trình Chính phủ không quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề này.
Quan điểm của Bộ NNPTNT về việc nâng cấp quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không phải thực hiện một cách cơ học mà là xem xét lại toàn bộ tính phù hợp dựa trên cơ sở thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như: Tính khả thi, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp.
“Việc đưa các quy định lên thành nghị định được cân nhắc kỹ lưỡng vì việc này giống như khâu tiền kiểm, cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, tránh việc lạm dụng thông tư nhưng cũng không dồn áp lực kỹ thuật lên các nghị định của Chính phủ”- bà Kim Anh nói.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết, sau khi đưa các điều kiện kinh doanh cần thiết vào nghị định về điều kiện kinh doanh của ngành nông nghiệp, thì các thông tư chỉ còn lại khoảng 50% yêu cầu chi tiết trước đây mà thôi.
“Nhiều điều kiện cụ thể về diện tích nhà xưởng, trình độ chuyên môn của người làm công tác về giống... đã bị loại bỏ. Điều này giúp người chăn nuôi chủ động hơn với trang trại và doanh nghiệp của mình. Tuy vậy, các quy chuẩn chất lượng đã đưa vào dự thảo nghị định trình Chính phủ đối với các doanh nghiệp, trang trại có trên 300 lợn nái thì vẫn phải bảo đảm các quy định về kiểm soát an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường...”- ông Dương cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, trong kết quả rà soát mới nhất, Bộ NNPTNT đã chủ động đề xuất loại bỏ hẳn các điều kiện kinh doanh thuộc 3 ngành nghề: Kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát; kinh doanh củi và than hồng; kinh doanh ngư lưới, dụng cụ thủy sản.
Như vậy, hiện nay chỉ còn 32 ngành, nghề kinh doanh nằm trong diện quy định điều kiện và quy chuẩn kỹ thuật của Bộ NNPTNT thay vì 35 ngành nghề như trước đây.