Dân Việt

Nông sản Bắc Giang rộng đường xuất khẩu

Vinh Hải 28/05/2016 13:35 GMT+7
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của Bắc Giang đã gia tăng giá trị và được xuất khẩu, bảo hộ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

80% ứng dụng KHCN phục vụ nông nghiệp

Vải thiều Lục Ngạn, mì Chũ, mì Kế, gà đồi Yên Thế... - những sản phẩm của nông dân Bắc Giang  giờ không chỉ nổi danh ở Việt Nam mà đã được bảo hộ ở các quốc gia khác.

Theo Sở KHCN tỉnh Bắc Giang, vải thiều Lục Ngạn đã nộp đăng ký bảo hộ tại 9 quốc gia. Tính đến tháng 3.2016, sản phẩm này đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia và đang trong quá trình xem xét đơn tại Mỹ, Úc, Malaysia, Singapore.

img

Nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hoạch vụ vải thiều năm 2015. ảnh: Trần Quang

Không chịu kém cạnh, mì Chũ, mì Kế cũng đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Nhật Bản và đang được xem xét cấp tại Lào, Campuchia, Hàn Quốc. Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Lào và đang xét đơn ở Campuchia, Singapore.

Ở góc độ tăng chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng các quy trình công nghệ đã giúp Bắc Giang có 12.000ha vải thiều tiêu chuẩn VietGAP, 50ha với tiêu chuẩn GlobalGAP. Quả vải thiều tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ, góp phần tăng giá trị 20–30% so với vải thiều thông thường.

Chiếu xạ vải thiều phục vụ xuất khẩu
Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KHCN cho biết: “Thời gian qua, Bộ KHCN đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học trên địa bàn với tổng giá trị đầu tư là 52 tỷ đồng. Với những sản phẩm nông sản có thể xuất khẩu của Bắc Giang, hiện đã có thể đưa đến Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để phục vụ chiếu xạ, không phải đưa vào TP.HCM như trước đây”. 

Cùng với đó, việc nghiên cứu và nhân rộng quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến còn được áp dụng cho các sản phẩm nông sản hàng hóa khác như bưởi, cam, lúa chất lượng cao, rau an toàn, chè...

Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KHCN  cho biết: “Hiện nay ở Bắc Giang, 80% các đề tài nghiên cứu KHCN là để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết các sản phẩm nông sản chủ lực của Bắc Giang đã và đang được ngành KHCN đầu tư nghiên cứu”.

Tăng giá trị thương hiệu vùng

Những sản phẩm nông sản chủ lực được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài không chỉ có lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm đó, mà còn góp phần giúp vùng sản xuất nông sản được biết đến nhiều hơn trên thế giới.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho hay: “Bắc Giang đã chọn hướng đi đúng khi ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với xây dựng thương hiệu. Chúng ta có sản phẩm tốt, nếu không được bảo hộ ở nước ngoài rất dễ bị mất cắp. Việc đăng ký bảo hộ, không chỉ phát triển cho sản phẩm đó mà còn xây dựng được thương hiệu của chính vùng có nông sản, ở đây là tỉnh Bắc Giang”.

Ông Kiên dẫn chứng câu chuyện về quả vải thiều Lục Ngạn sau khi đã đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, đoàn công tác của Đại sứ quán Israel đã về địa phương làm việc. Kết quả là hiện Sở KHCN đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản quả vải thiều tươi theo công nghệ của Israel và công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân thâm canh cho cây vải.

Bắc Giang đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia góp ý vào dự thảo nghị quyết đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở KHCN phối hợp với Sở NNPTNT xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, phải liên kết, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để tạo thành chuỗi sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo đó, dự kiến Bắc Giang sẽ hình thành ít nhất 8 – 10 vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở một số địa phương có lợi thế. Như sản xuất nấm ở huyện Lạng Giang, Việt Yên; rau an toàn ở huyện Tân Yên, Lục Nam, Yên Dũng, TP.Bắc Giang; vải ở huyện Lục Ngạn, Tân Yên; chè ở huyện Yên Thế, Sơn Động;…