Dân Việt

Nông nghiệp Việt Nam 2016: Cơ hội tăng tốc từ hội nhập

Đình Thắng 28/05/2016 06:25 GMT+7
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016 do Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) tổ chức ngày 27.5 tại Hà Nội.

Tận dụng thời cơ vàng trong 5-7 năm tới

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề về ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2015 và tổng quan thị trường thế giới nói chung, các phân tích thị trường và triển vọng thị trường cho các ngành hàng chủ chốt năm 2016, đưa ra các chiến lược, chính sách và các chương trình phát triển của 3 ngành hàng (chăn nuôi, thủy sản và gạo), thúc đẩy hợp tác giữa các nhóm tác nhân: Nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và các tổ chức, cá nhân tham gia trong chuỗi ngành hàng nông sản.

img

Nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển (ảnh minh họa).  ảnh: T.L

Về bức tranh kinh tế nói chung, ông Võ Trí Thành -  chuyên gia kinh tế cao cấp cho biết: “Kinh tế thế giới trong những năm qua rất khó khăn, đà phục hồi chậm và chững lại. Trong năm 2016, sự phục hồi kinh tế thế giới sẽ rất gập ghềnh, xu hướng mong manh, rủi ro bất định nhiều và cải cách khó khăn”. Tuy nhiên nông nghiệp lại là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm đó, ông Thành cho rằng: “Nông nghiệp ngành nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Cơ hội này không có nhiều thời gian cho Việt Nam, chỉ cần 5 – 7 năm nữa thôi khi EU đàm phàn với Lào, Campuchia, ASEAN thì lợi thế này sẽ không chỉ  dành cho Việt Nam”.

"Hiện nay Nhà nước đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, có một vấn đề mà các doanh nghiệp rất lo lắng là rủi ro thị trường. Vì vậy phân tích thị trường và nhanh chóng cung cấp thông tin cho doanh nghiệp là rất quan trọng”.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Đồng tình với quan điểm đó, ông Lê Văn Bình -  Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng Quốc hội Việt Nam) nhấn mạnh: “Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có những điểm thuận lợi, tuy nhiên cũng gặp không ít các thách thức trong việc cạnh tranh với nông sản hàng hóa xuất khẩu cũng như ngay tại thị trường nội địa. Để tháo gỡ khó khăn này rất cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành”.

Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2016 là năm rất đặc biệt với những biến động mạnh của kinh tế thế giới, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Ipsard nhấn mạnh: “Năm 2016, nhiều quốc gia có chính phủ mới, trong đó có Việt Nam, người dân kỳ vọng về sự thay đổi về chính sách. Có một vấn đề các doanh nghiệp rất lo lắng là rủi ro thị trường. Vì vậy, phân tích thị trường và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp rất quan trọng”.

Rau quả, chăn nuôi là đầu kéo

Nhận định về triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016, ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và ngành hàng (IPSARD) cho rằng: “Năm 2016 xuất khẩu rau quả được dự báo tích cực, nhiều khả năng rau quả Việt Nam hưởng lợi từ căng thẳng trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Philippines khi Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt lên chuối nhập khẩu từ Philippines; Hongkong (cửa ngõ vào Trung Quốc đại lục) nhập khẩu đến 70% khối lượng xoài từ Phillippines. Còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả Việt Nam ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Ấn Độ, Chile, EU…”.

Đánh giá tiềm năng của mặt hàng trái cây, ông Sergio René Araujo-Enciso – Ban Thương mại và Thị trường (tổ chức FAO) cho biết: Việt Nam là quê hương của sản phẩm trái cây nhiệt đới như thanh long, chôm chôm, vải … trái cây nhiệt đới là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, với xoài có sản lượng lớn nhất. 60% trái cây nhiệt đới chủ yếu được sản xuất tại châu Á, điều này được dự báo sẽ không thay đổi tới năm 2024.

Đối với ngành chăn nuôi, các chuyên gia đánh giá sự hồi phục của thương mại thịt 2016 có thể làm tăng lượng nhập khẩu của Việt Nam nhưng không lớn. Các chính sách mới tạo áp lực cho các sản phẩm thịt nhập khẩu. Các sân chơi FTAs và TPP chưa tác động mạnh, chăn nuôi Việt Nam có hơn 10 năm chuẩn bị trước khi cam kết cắt giảm thuế quan về 0% đối với ngành chăn nuôi có hiệu lực trong khuôn khổ TPP./.

img

Đòi hỏi ngày càng cao hơn về chất lượng nông sản

Năm 2016, ngành nông nghiệp Việt Nam cần nỗ lực khắc phục và chống lại tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn. Từ nay đến cuối năm cần chỉ đạo sản xuất kịp thời từ Bộ NNPTNT để bù đắp phần nào thiệt do hạn hán, xâm nhập mặn từ đầu năm gây ra. Trong ngắn hạn, cần bám sát các dự báo về nhu cầu thị trường thế giới để điều chỉnh nguồn cung sản phẩm cho phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý nhiều hơn đến thị trường nội địa. Khẩu vị người tiêu dùng Việt Nam cũng thay đổi dần, cơ cấu khẩu phần ăn có thay đổi với xu hướng giảm gạo và tăng thực phẩm khác và người dân đòi hỏi ngày càng cao hơn về chất lượng nông sản.

TS Nguyễn Đỗ Anh TuấnViện trưởng Viện Ipsard

img

Tạo ra thương hiệu sản phẩm chất lượng cao cho cá tra

2014 là năm đỉnh cao của cá tra khi kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 1,8 tỷ USD, tuy nhiên loài cá tỷ đô này bắt đầu “tụt dốc” từ năm 2015 khi giá trị xuất khẩu sụt giảm 10%. Hiện nay ngành cá tra đang phục hồi trở lại nhưng để phát triển ngành cá tra bền vững chúng ta cần xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá tra từ giống đến xuất khẩu, liên kết chuỗi để quản trị chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu. Nâng cao chất lượng sản phẩm của thị trường Mỹ để hình thành thương hiệu sản phẩm chất lượng cao cho ngành cá tra phục hồi niềm tin chất lượng cá tra Việt Nam. Phát triển sản phẩm giá trị gia tăng để mở rộng thị trường.

TS Nguyễn Việt Thắng–  Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam