Dân Việt

Có chồng làm quan, họ vợ được nhờ

Thanh Ba 28/05/2016 09:00 GMT+7
Nhiều hôm Hùng không muốn trở về nhà khi biết trước có người bên anh em, họ hàng nhà vợ đang đợi sẵn.

Họ từ quê xuống, sáng tinh mơ, với lỉnh kỉnh đồ đạc từ gà vịt, gạo nếp đến khoai sắn, mít ổi. Họ khúm núm đến tội nghiệp, rụt rè mãi vẫn chưa biết mở lời nhờ vả ra sao. Đa số họ đều đến nhờ anh xin việc cho con. Hùng là phó giám đốc một nhà máy sản xuất phân bón lớn của toàn miền Bắc với cả nghìn công nhân. Lương ổn định, môi trường làm việc tốt, công ty lại luôn quan tâm đến chất lượng đời sống nhân viên nên được vào nhà máy làm việc là niềm mơ ước của biết bao người.

Với cơ chế xin-cho thì một suất vào nhà máy cũng lên đến hàng trăm triệu - đó là chưa kể phải là chỗ quen biết. Khối người sẵn tiền mà không xin được, thành ra có người “làm quan” như anh là cả họ bám vào. Hùng tuy xuất thân từ thành thị nên mỗi lần nhìn thấy dáng người khắc khổ cùng những món quà quê mộc mạc là lại không nỡ chối từ. Khổ nỗi, mọi người không chịu hiểu cho sự khó xử khi ở địa vị của anh. Toàn họ hàng bên vợ, giúp cũng khổ mà không giúp cũng khổ. Vợ anh thì lúc nào cũng bảo “chỉ một câu nói của anh mà giúp được cả đời người ta. Mất gì ngoài tí nước bọt mà anh cứ lăn tăn”.

img

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tính vợ Hùng hay thương người. Bao nhiêu năm đi học, đi làm rồi lấy chồng thành phố, nhưng chị vẫn giữ tính cả nể của những người dân quê. Chị luôn nghĩ người ta chắc cũng phải khó khăn lắm mới cậy đến mình. Nếu khả năng mình có thể giúp được thì giúp hết sức. Có như vậy, sau này mới dễ nhìn mặt nhau. Dù Hùng đã nhiều lần nói với vợ rằng mọi vị trí trong nhà máy đều đã đủ người. Đó là những công nhân đã làm việc nhiều năm, đã cống hiến sức lực và tâm huyết cho nhà máy. Giờ không thể đẩy họ đi để đưa người của mình vào được.

Nhà máy cũng không có tiền để nhận thừa thãi công nhân sau đó phải chi trả lương và đóng bảo hiểm hàng tháng cho họ. Trong nhà máy cũng không chỉ có mình anh nắm quyền. Còn bao nhiêu người khác giữ những vị trí quan trọng, họ cũng có nhu cầu xin việc cho con em mình. Hơn nữa, bản thân anh cũng không thể tự quyết mọi việc được. Muốn xin cho ai là phải nhờ người này người kia thu xếp. Làm tới phó giám đốc mà suốt ngày lo cài cắm người của mình vào công ty thay vì lo cho công việc chung, bản thân anh rất ngại. Nhiều lúc chỉ mong vợ đứng ở vị trí của chồng mà thông cảm cho nhau.

Tình hình nhà máy dạo này làm ăn khó khăn. Đất nông nghiệp bị thu hẹp dẫn đến nhu cầu sử dụng phân bón cũng ít đi. Đứng trước bài toán khó cho đầu ra của sản phẩm cũng đủ làm những người lãnh đạo nhà máy như anh đau đầu. Làm sao để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, chèo chống nhà máy vượt qua giai đoạn khó khăn luôn là câu hỏi thường trực đến mất ăn mất ngủ. Sản phẩm không bán được kéo theo lương công nhân viên giảm, đời sống khó khăn hơn.

Lúc này, Hùng chỉ muốn chuyên tâm vào công việc nên rất dị ứng với những cuộc điện thoại của vợ. Từ sáng đến chiều vợ gọi năm, sáu cuộc chỉ để hỏi “bao giờ anh về?”. Kèm theo một lời nhắn chẳng khác gì mệnh lệnh “có chú Hà dưới quê lên chơi. Chú có việc quan trọng cần phải nói với anh. Anh nhớ thu xếp công việc về nhà sớm nhé”. Anh rất muốn... nổi khùng nhưng lại sợ chú ngồi ngay kế bên vợ, nhỡ nghe được thì phiền.

Hùng nghĩ chắc cũng đã đến lúc anh phải thẳng thừng từ chối giúp đỡ họ hàng. Lẽ ra việc này anh nên làm từ lâu để nhiều đứa cháu không bị bố mẹ chúng ép phải học chuyên ngành hóa. Tâm lý chung của họ hàng ở quê là Hùng xin được cho người khác thì cũng sẽ xin được cho con em họ. Cầm tấm bằng cao đẳng của con trên tay, họ đặt trước mặt anh như giao phó. Thậm chí có người còn bảo “nếu chú không xin việc cho con chị thì thằng bé cũng chẳng biết làm gì với tấm bằng này. Vì tin tưởng chú mà anh chị vay mượn khắp nơi nuôi cháu ăn học”.

Vợ anh ngồi gần đó thế nào cũng tìm cách đỡ lời: “Nhà anh chị ở quê khó khăn lắm. Nợ vài chục triệu tiền vay vốn tín dụng sinh viên cũng trầy trật chưa biết đến bao giờ trả được. Kể mà cháu nó có công việc ổn định, có lương hàng tháng thì may chăng trả được sớm, đỡ phải chịu lãi hàng tháng”. Nếu thấy bấy nhiêu vẫn chưa đủ “lung lay” chồng, chị sẽ bồi thêm: “Cũng may có anh chị ở ngay gần nhà nên lúc ông bà ngoại ở quê ốm đau mà vợ chồng mình không về được cũng đỡ lo”. Rồi quay sang bảo khách: “Bao năm nay anh chị đỡ đần vợ chồng em nhiều quá”.

Hùng nén tiếng thở dài, miễn cưỡng gật đầu. Không lẽ vợ nói vậy mà anh từ chối giúp thì còn mặt mũi nào. Khi khách đã về anh quay ra trách vợ vài câu, nàng giận. Mô típ thông thường sau đó là quy chụp cho anh cái tội chê bai gốc gác nhà quê, mới có tí chức quyền đã vội quên ơn nghĩa.

Vợ chồng sống với nhau mà cứ phải căng thẳng liên tục, mà căng thẳng toàn vì những chuyện trên trời rơi xuống mới mệt. Nhiều lúc Hùng mong mình nhanh đến tuổi về hưu để được sống cho thanh thản đầu óc - không phải lo người khác nhờ vả, không sợ những buổi chiều trở về đã có người đợi sẵn. Người ta trở về nhà sau một ngày làm việc là để nghỉ ngơi. Còn anh về nhà chỉ vắt thêm áp lực lên vai. Vợ nấu một bữa cơm ngon có vài món Hùng thích, đôi khi lại là một “cái bẫy”. Nuốt chưa trôi miếng cơm đã anh à, anh ơi có chú này thím kia định nhờ mình xin việc cho con…

Những người như vợ Hùng hẳn cũng không hiếm gặp, nên ở đời cũng không hiếm những ông chồng “số khổ” như Hùng. Người ta thường nói không gì bằng nhà có người làm bác sĩ, lúc ốm đau còn được cậy nhờ. Chồng của Hiền, anh Phương không những là bác sĩ giỏi mà còn là phó giám đốc một bệnh viện tư có tiếng ở Hà Nội, thành ra người nhà dưới quê, cứ có bệnh là khăn gói lên Hà Nội, “nhờ anh khám giúp”. Phương không hẹp hòi gì, cứ có người nhà tìm đến là đều nhờ các bác sĩ có chuyên môn giỏi khám chữa. Bệnh nặng không nói, đằng này nhiều khi chỉ đau nhức sơ sơ, khám đâu chẳng được, họ cũng đi cả quãng đường hơn trăm cây số đứng chờ anh ở bệnh viện từ mờ sáng.

Có hôm đông bệnh nhân mà mấy người anh em nhà vợ kéo nhau khám sức khỏe định kỳ khiến anh quay như chong chóng. Phương vừa khám cho bệnh nhân vừa tranh thủ chạy xồng xộc từ phòng này sang phòng kia nhờ các bác sĩ chuyên khoa khác khám giúp. Nhiều lần anh bảo vợ tìm cách từ chối những trường hợp không thực sự cần đến sự giúp đỡ của mình, nhưng Hiền luôn bảo “em chẳng biết phải từ chối thế nào. Tội họ”.

Thật ra thiếu gì cách để từ chối khéo, chỉ là Hiền không muốn phải mất lòng ai. Lấy được chồng là bác sĩ giỏi khiến cả nhà ngoại nở mày nở mặt nên lúc nào Hiền cũng muốn được thơm lây. “Mất mát gì đâu mà lại được tiếng. Thì cứ coi như mình tích đức cho con”. Nghe vợ nói vậy Phương im lặng, chẳng biết phải làm sao. Nhiều khi thấy sợ họ hàng nhà vợ vì sự phiền hà không đáng có. Phương cứ ước ao “giá mà vợ hiểu…” thì có lẽ anh đỡ vất vả hơn nhiều.