Dân Việt

Con nhà nông rủ nhau đi học nghề

Mỵ Lương 11/06/2016 06:18 GMT+7
Đây là xu hướng mới ở nhiều vùng nông thôn trước thực trạng hàng trăm ngàn cử nhân học xong không có việc làm. Thực tế, kỳ thi quốc gia năm 2016, rất nhiều thí sinh vùng nông thôn chỉ đăng ký thi tốt nghiệp mà không thi đại học (ĐH).

    Công việc hơn bằng cấp

Từ nhỏ luôn mơ ước được trở thành giáo viên, em Khuất Mai Linh – học sinh lớp 12A8, Trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng, Hà Nội) đã dự định thi ĐH Sư phạm. Nhưng nhận thấy nhiều cử nhân, đặc biệt là cử nhân sư phạm khó xin được việc nên sau khi tốt nghiệp THPT, Linh đã đi học tiếng Hàn để xin đi xuất khẩu lao động.  “Lúc đầu, bố mẹ em phản đối quyết liệt vì cho rằng không có bằng cấp thì “làm ăn gì”. Nhưng em đã phân tích hơn thiệt, bố mẹ làm nông, muốn học ĐH phải vay ngân hàng, nếu không xin được việc làm thì lấy gì mà trả. Học vừa đủ mà có việc còn hơn. Sau này nếu cần em vẫn có thể thi ĐH nên bố mẹ em đã đồng ý” – Linh tâm sự. 

img

Một lớp học nghề nấu ăn tại Trường Trung cấp Kinh tế -Du lịch Hoa Sữa (Hà Nội). ảnh: Mỵ Lương

Gia đình quanh năm bám víu lấy đồng ruộng sinh sống, em Bùi Bảo Tín (TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cũng không “ôm mộng” ĐH. Trong kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp, em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp và dự định học nghề hàn để sớm ra trường phụ giúp bố mẹ. Tín cho biết, không phải nhìn đâu xa, chị gái em học ĐH tốn cả trăm triệu của bố mẹ nhưng rồi ra trường ôm hồ sơ xin khắp nơi, chật vật lắm mới tìm được một công việc làm tạm thời. “Sau gần 2 năm, lương của chị làm vẫn không đủ trả nợ tiền bố mẹ vay cho đi ăn học. Em chỉ học 2 năm, lại có cơ hội tìm việc ngay” – Tín cho hay.

“Hiện nay nhiều nghề đang thu hút được các bạn trẻ, đặc biệt là con em nông dân như công nghệ thông tin, bán hàng online, điện tử viễn thông, công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin, du lịch, nấu ăn… Đây là những nghề không mất nhiều thời gian học, ra trường lại dễ xin việc, học phí cũng không quá cao”.
Ông Dương Văn Tịnh - 
nguyên Giám đốc Trung tâm 
Giới thiệu việc làm Hà Nội

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 1.2016, người có trình độ ĐH trở lên không xin được việc làm hoặc bị thất nghiệp vẫn chiếm nhiều nhất với 190.900 người (tăng 35.400 người so với quý 4.2015); cao đẳng chuyên nghiệp là 118.900 người. Còn người có chứng chỉ nghề từ trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đến chứng chỉ nghề dưới 3 tháng bị thất nghiệp cộng lại chỉ hơn 70.000 người.

Xác định lại mục tiêu

Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhận định: “Có thể thấy rằng càng học lên cao, số người không có việc làm càng tăng. Nhìn về lâu dài, nếu trình độ lao động không được cải thiện, kiến thức, kỹ năng nghề không phù hợp với nhu cầu thị trường thì chắc chắn tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn tăng cao”.

Lý giải về tình trạng trên, ông Đào Quang Vinh - Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) phân tích, các số liệu về tốc độ tăng trưởng kinh tế ở quý 1.2016 giảm đi. Nhiều lĩnh vực giảm tỷ lệ lao động. Thêm nữa, trong phần kết cấu cung cầu lao động có thể thấy nhu cầu tuyển dụng của quý 1.2016 tăng số lao động phổ thông, lao động có trình độ tay nghề thấp. Vì thế, việc đào tạo của Việt Nam cần điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường. “Các ngành đào tạo hiện này chưa xuất phát từ nhu cầu của thị trường mà chỉ xuất phát ở phía cung. Các trường mới chỉ quan tâm đến mong muốn được học ĐH và khả năng đào tạo của các trường, ít có kết nối giữa đào tạo với doanh nghiệp nên mới có chuyện lao động có bằng cử nhân mà vẫn không có việc làm, gây  lãng phí nguồn lao động có trình độ cao” – ông Vinh nói./.